Giá dầu Brent nhảy vọt hơn 9%, có tuần leo dốc mạnh nhất từ tháng 6
Giá dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận tuần leo dốc đầu tiên trong 3 tuần gần đây do nguồn cung nhiên liệu bị gián đoạn.
Giá dầu thế giới nhảy vọt hơn 5% ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (5/10), khi sự lạc quan xung quanh việc điều trị Covid-19 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy tâm lý ưa thích rủi ro trên thị trường. Các thương nhân cũng cân nhắc triển vọng về một gói kích thích kinh tế mới của Mỹ và theo dõi cuộc đình công đang làm giảm sản lượng dầu thô ở Na Uy.
Trong phiên giao dịch ngày 6/10, giá “vàng đen” tăng phiên thứ 2 liên tiếp, nới rộng đà tăng mạnh trong phiên trước đó, khi nhà đầu tư tập trung vào cuộc đình công đang làm sụt giảm sản lượng của Na Uy và cơn bão Delta, vốn có thể dẫn đến sự gián đoạn sản xuất ở khu vực Vịnh Mexico.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu quay đầu sụt giảm vào ngày thứ Tư do chịu sức ép từ đà tăng của dự trữ dầu thô tại Mỹ cùng với những lo ngại về nhu cầu do triển vọng ảm đạm về gói kích thích tài khóa bổ sung từ Quốc hội nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Mặc dù đi xuống, giá dầu đã tránh được mức thấp nhất trong phiên sau khi có thông tin cho biết hơn 80% sản lượng dầu ở Vịnh Mexico "bốc hơi" khi một cơn bão lớn xuất hiện ở gần khu vực này.
Sang ngày 8/10, giá dầu quay đầu tăng mạnh khi bão Delta buộc phải ngừng sản xuất 90% sản lượng dầu thô của Vịnh Mexico và Ả Rập Saudi được cho là đang cân nhắc hoãn kế hoạch tăng sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Giá dầu mỏ lại giảm nhẹ trong ngày thứ Sáu (9/10) sau khi có báo cáo đã kết thúc cuộc đình công ở Na Uy gây đe dọa đến sản lượng.
Giá dầu đã sụt mạnh trong phiên sau khi Reuters đưa tin các công ty dầu mỏ Na Uy đã đạt được thỏa thuận tiền lương với các quan chức liên đoàn lao động vào ngày thứ Sáu. Theo Commerzbank, cuộc đình công kết thúc có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng chỉ dưới 1 triệu thùng/ngày vào tuần tới.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/10, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex hạ 59 xu Mỹ, khoảng 1,4%, còn 40,60 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung trong tuần giá mặt hàng dầu này vẫn tăng 9,6%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12 trên sàn London sụt 49 xu Mỹ ,tương đương 1,1%, xuống còn 4,.85 USD/thùng, nhưng vẫn nhảy vọt 9,1% trong tuần qua.
“Giá dầu giảm nhẹ trong phiên cuối tuần cũng có thể cho thấy thị trường tỏ ra lo ngại hơn về việc các nhà máy lọc dầu đóng cửa sau cơn bão Delta và gửi dầu thô vào các kho dự trữ, hơn là do sản lượng dầu thô bị giảm”, Robert Yawger - Giám đốc năng lượng tại Mizuho Securities, nhận xét.
Bão Delta, cơn bão mạnh cấp 2, được dự báo sẽ đổ bộ vào bờ biển Louisiana vào tối ngày thứ Sáu.
Tính đến ngày thứ Sáu, Cục An toàn và Thực thi Môi trường (BSEE) dự kiến khoảng 91.55% sản lượng dầu trong khu vực và 62.17% sản lượng khí thiên nhiên bị mất do ảnh hưởng của cơn bão Delta.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 9/10 cho thấy số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng tuần thứ 3 liên tiếp khi cộng 4 giàn lên 193 giàn trong tuần này.
Về nguồn cung, Ả Rập Saudi đang xem xét hoãn kế hoạch của OPEC để nâng sản lượng dầu từ đầu năm tới đến cuối quý đầu tiên, Wall Street Journal đưa tin vào ngày thứ Năm, dẫn lời từ các cố vấn dầu mỏ cấp cao của nước này.
Theo quan chức dầu mỏ của Riyadh, do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như sự quay lại của dầu thô Libya trên thị trường thế giới khiến cần phải suy nghĩ lại về kế hoạch.
OPEC cùng với các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, đã đồng ý cắt giảm sản lượng chung là 9,7 triệu thùng/ngày bắt đầu hồi tháng 5. Tổ chức này đã giảm bớt mức cắt giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8/2020.
Trong khi đó, chuyên gia cao cấp Edward Moya thuộc OANDA cho biết sản lượng khai thác dầu mỏ của các thành viên ngoài OPEC bị ảnh hưởng lớn trong vài tuần tới và điều này tiếp tục thúc đẩy thị trường dầu mỏ tái cân bằng./.