Giá dầu Brent phá ngưỡng 105 USD/thùng lần đầu tiên từ năm 2014

Giá dầu thế giới đã tăng vượt ngưỡng 105 USD/thùng vào hôm 24/2, sau khi nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới là Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, làm gia tăng lo ngại về tình hình ở khu vực Đông Âu.

Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi những lo ngại lâu nay về khả năng xung đột quân sự liên quan tới Nga và Ukraine đã trở thành sự thực, giá dầu thế giới đã tăng vọt hơn 8%. Cụ thể, tính đến 19 giờ 21 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiến 8,4% (8,15 USD) lên 104,99 USD/thùng, sau khi lên tới 105,79 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu này vượt qua ngưỡng 105 USD/thùng kể từ năm 2014. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 8% (7,33 USD) lên 99,43 USD/thùng

Giá nhôm và lúa mì cũng tăng lên mức cao kỷ lục do lo ngại về triển vọng sản lượng từ Nga - nhà xuất khẩu lớn của những mặt hàng này.

Nhà phân tích Victoria Scholar của công ty tư vấn tài chính Interactive Investor cho biết khắp các thị trường toàn cầu đã chìm trong “biển đỏ”. Sau giai đoạn phản ứng với thông tin Nga tiến vào Ukraine, giá dầu tiếp tục leo thang khi các thị trường đánh giá tác động tiềm năng đến nguồn cung năng lượng từ tình hình này.

Trên thị trường chứng khoán, các công ty có sự hiện diện lớn ở Nga ghi nhận giá cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, cổ phiếu của các “đại gia” kim loại Nga là Polymetal và Evraz lần lượt giảm 35% và 27% tại thị trường London, Vương quốc Anh.

Trên thị trường Paris, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Pháp Renault, bên sở hữu phần lớn cổ phần trong nhà sản xuất ô tô Avtovaz của Nga đã giảm 9,5%. Cổ phiếu của ngân hàng Societe Generale cũng giảm 11,4% do lo ngại về ngân hàng bán lẻ Rosbank tại Nga của họ.

Nhà phân tích Susannah Streeter của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown cho biết với các biện pháp trừng phạt cứng rắn sắp tới từ phương Tây, các công ty Nga sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trong khi khả năng phục hồi thấp do tính chất nghiêm trọng của tình hình. Chuyên gia này nói thêm các cổ phiếu ngân hàng châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng Pháp và Áo sẽ chịu thêm nhiều áp lực vì họ có tỷ lệ cho vay vốn lớn nhất với các doanh nghiệp Nga.

Trong khi đó, các tài sản trú ẩn khác đang được hưởng lợi, với đồng yen Nhật cao hơn so với đồng USD và đồng franc Thụy Sỹ đạt mức cao nhất trong 5 năm so với đồng euro.

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng cao hơn do lo ngại về gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là sau khi Chính phủ Đức trong tuần này ngừng quá trình phê duyệt dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Theo đó, giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng gần 1/3 lên mức 125 euro (139 USD) cho mỗi megawatt giờ.

H.Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-brent-pha-nguong-105-usdthung-lan-dau-tien-tu-nam-2014-20220224214848945.htm