Giá dầu châu Á giảm sau thông báo hạ lãi suất của PBoC
Vào lúc 12 giờ 45 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 19 xu Mỹ, xuống còn 75,9 USD/thùng, trong khi dầu WTI giao tháng 7 giảm 1,02 USD, còn 70,76 USD/thùng.
Giá dầu châu Á đã giảm trong chiều ngày 20/6, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản ít hơn so với kỳ vọng của thị trường, làm gia tăng lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Vào lúc 12 giờ 45 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 19 xu Mỹ, xuống còn 75,9 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2023 giảm 1,02 USD, còn 70,76 USD/thùng.
PBoC thông báo hạ lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (LPR) và kỳ hạn 5 năm, được điều chỉnh giảm 10 điểm cơ bản, xuống các mức tương ứng là 3,55% và 4,2%. Đây là lần đầu tiên sau 10 tháng PBoC cắt giảm hai loại lãi suất này, nhưng mức giảm hấp hơn so với dự đoán của thị trường.
Nhà phân tích Tina Teng tại CMC Markets ở New Zealand cho biết động thái của PBoC không tạo đủ lực đẩy để giúp thị trường dầu tăng giá. Việc cắt giảm lãi suất diễn ra sau khi các dữ liệu gần đây của Trung Quốc cho thấy lĩnh vực bán lẻ và hoạt động sản xuất đang gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng đạt được vào đầu năm nay.
Chính phủ Trung Quốc đã nhóm họp vào tuần trước để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Một số ngân hàng quốc tế lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước này.
Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tranh luận về khả năng tăng lãi suất nhiều hơn trong bối cảnh rủi ro lạm phát chưa hạ nhiệt. Các thị trường hiện đang chờ đợi phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powel trước Quốc hội vào cuối tuần này.
Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường tại IG Singapore, cho biết nguy cơ suy yếu của sức tăng trưởng toàn cầu vẫn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu. Lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu chi tiêu và có thể làm giảm nhu cầu dầu thế giới.
Về phía cung, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao mới trong năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nga, trong tháng này, cũng dự kiến sẽ tăng xuất khẩu một số chế phẩm từ dầu mỏ.
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho rằng nguồn cung dầu đã bất ngờ tăng trở lại. Trong báo cáo cập nhật mới nhất, ngân hàng này đã cắt giảm triển vọng giá trung bình trong năm 2023 của dầu Brent Biển Bắc xuống 81 USD/thùng, thấp hơn so với dự báo trước đó là 90 USD/thùng. Các nhà phân tích của JPMorgan nhận định thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ là không đủ để cân bằng cung và cầu trên thị trường, ngay cả khi thỏa thuận này được gia hạn đến năm 2024./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-chau-a-giam-sau-thong-bao-ha-lai-suat-cua-pboc/295327.html