Giá dầu châu Á ít biến động trong phiên giao dịch chiều 7/3

Giá dầu tại thị trường châu Á ít biến động trong phiên giao dịch chiều 7/3, sau khi ghi nhận đà tăng trong 5 phiên giao dịch vừa qua.

Trong ảnh: Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ảnh: Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu tại thị trường châu Á ít biến động trong phiên giao dịch chiều 7/3, sau khi ghi nhận đà tăng trong 5 phiên giao dịch vừa qua, do lo ngại về công suất dự phòng hạn chế trên thị trường năng lượng và sự không chắc chắn về nguồn cung của Nga lấn át dữ liệu trái chiều về dầu mỏ từ Trung Quốc- nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 18 xu Mỹ, lên 86,36 USD/thùng, sau khi tăng 0,4% vào phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 80,62 USD/thùng, tăng 16 xu Mỹ, sau khi tăng 1% trong phiên trước đó.

Tính đến phiên cuối tuần trước (ngày 3/3), giá dầu Brent ghi nhận chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 5/2022.

Nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank (Australia) cho biết: “Những lo ngại về nguồn cung đã giúp giá dầu tăng cao chỉ sau một đêm, xuất phát từ nhận định của Giám đốc điều hành Chevron rằng không có nhiều khả năng công suất sẽ dao động trên thị trường dầu mỏ. Ẩn số quan trọng cho năm 2023 sẽ là sự gián đoạn đối với xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga".

Tại một hội nghị ở Houston (Mỹ), Giám đốc điều hành của Chevron Corp. Mike Wirth cho biết, các tàu chở dầu và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga hiện phải di chuyển quãng đường dài hơn để đến các thị trường không bị trừng phạt trong khi lượng dầu tồn kho và nguồn cung dao động bị hạn chế, khiến thị trường toàn cầu thị trường dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ nào.

Dữ liệu thương mại dầu trái chiều từ Trung Quốc đã hạn chế mức tăng của thị trường trong phiên này. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2023 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước xuống 10,4 triệu thùng/ngày, mặc dù các nhà phân tích chỉ ra rằng việc tăng tốc nhập khẩu dầu trong tháng Hai vừa qua là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ổn định.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, xuất khẩu các sản phẩm từ dầu như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay trong hai tháng đầu năm 2023 đã tăng 74,2% so với cùng kỳ năm trước, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.

Tại Mỹ, cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy, các báo cáo trong tuần này về dự trữ dầu thô và sản phẩm dầu tinh chế trong tuần kết thúc vào ngày 3/3 dự kiến sẽ giảm. Đây có thể là lần giảm đầu tiên trong 10 tuần qua./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-chau-a-it-bien-dong-trong-phien-giao-dich-chieu-7-3/283284.html