Giá dầu châu Á phiên 9/11 tăng hơn 2%

Giá dầu tại thị trường châu Á tăng hơn 2% trong phiên trong phiên giao dịch đầu tuần 9/11, với dầu Brent vượt ngưỡng 40 USD/thùng.

Giếng dầu của mỏ dầu Bibi Heybat ở ngoài khơi Biển Caspi , Azerbaijan. Ảnh: AFP/TTXVN

Giếng dầu của mỏ dầu Bibi Heybat ở ngoài khơi Biển Caspi , Azerbaijan. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu tại thị trường châu Á tăng hơn 2% trong phiên trong phiên giao dịch đầu tuần 9/11, với dầu Brent vượt ngưỡng 40 USD/thùng, sau khi ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, qua đó gia tăng nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro. Điều này đã phần nào bù đắp cho những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.

Chiều phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2020 tăng 90 xu Mỹ (2,5%), lên 38,07 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2021 tăng 94 xu Mỹ (2,4%), lên 40,39 USD/thùng. Phiên đầu tuần này, giá dầu đã chứng kiến sự phục hồi so với mức giảm 4% của phiên cuối tuần trước, hòa theo đà tăng của thị trường tài chính toàn cầu sau khi ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra tuần trước. Trong khi đó, đồng USD suy yếu cũng giúp giá các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này bớt đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác. Nhà kinh tế Howie Lee của OCBC cho biết, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ tác động lớn hơn nữa đến nền kinh tế Mỹ, đồng thời nêu lên khả năng tiếp diễn các đợt phong tỏa xã hội tại Mỹ dưới thời ông Biden. Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ tăng, sau khi báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tăng 5% trong tuần này, lên 226 giàn khoan. Các thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang thận trọng trước khả năng Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran hoặc Venezuela trong những năm tới, điều này có thể đồng nghĩa với việc sản lượng dầu toàn cầu tăng cao, khó cân bằng với nhu cầu tiêu thụ. OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC +, đang cắt giảm sản lượng khoảng 7,7 triệu thùng/ngày để cân bằng thị trường dầu thế giới. Trong khi đó, nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, trong tháng 10/2020 đã giảm 12% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự đoán nhập khẩu dầu mỏ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng vào năm 2021 sau khi Bắc Kinh tăng hạn ngạch nhập khẩu dầu thêm 20%./. Minh Trang (Theo Reuters)

Nguyễn Thị Minh Trang

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-chau-a-phien-9-11-tang-hon-2/177261.html