Giá dầu giảm mạnh khi Mỹ - Trung leo thang căng thẳng
Giá dầu sụt mạnh trong phiên ngày 22/7 do Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng liên quan đến vụ Washington yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán ở Houston.
Đà lao dốc của giá “vàng đen” một phần cũng do dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn kho dầu của Mỹ cao hơn dự báo và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại Mỹ có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu của nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.
Cụ thể, giá dầu Brent mất 53 xu Mỹ, tương đương 1,2%, xuống 43,79 USD/thùng, Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 59 xu Mỹ, tương đương 1,4%, giao dịch ở mức 41,33 USD/thùng.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 7,5 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự báo giảm 2,1 triệu thùng của các nhà phân tích.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sẽ công bố số liệu chính thức vào cuối ngày 22/7 (giờ địa phương).
Chuyên gia Stephen Brennock của hãng môi giới dầu mỏ PVM nhận xét: "Những lo ngại về nguồn cung dư thừa quá mức của Mỹ đã tác động xấu đến thị trường dầu mỏ. Bên cạnh đó, việc Mỹ chưa thể khống chế được sự lây lan của đại dịch Covid-19 cũng đang làm suy yếu triển vọng nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19 ngày 21/7, Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng dịch Covid-19 "có thể sẽ tồi tệ đi trước khi tốt lên. Tôi không thích nói về điều này, nhưng đó chính là cách nó diễn ra".
Tổng thống Trump cũng thể hiện quan điểm mạnh mẽ nhất cho đến nay của ông về việc đeo khẩu trang khi nói rằng đó là cách hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của virus.
Những bình luận mới nhất của người đứng đầu Nhà Trắng đánh dấu sự thay đổi quan điểm mạnh mẽ trước đây của ông về việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ.
Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu thị trường dầu mỏ Rystad Energy, cho biết những tuyên bố mới nhất của ông Trump về dịch Covid-19 có thể được các nhà đầu tư hoan nghênh vì cho thấy Nhà Trắng đang tỏ ra thận trọng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Mỹ.
“Đây có thể là một tích cực cho triển vọng đối với nhu cầu năng lượng. Thay vì một làn sóng lây nhiễm thứ hai không được kiểm soát, có thể chính quyền Tổng thống Trump sẽ hành động mạnh hơn để ngăn chặn dịch bệnh" - ông Tonhaugen cho hay.
Tuy nhiên, việc leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã gây thêm áp lực lên giá dầu trong phiên giao dịch ngày 22/7 sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở TP Houston và một nguồn tin cho biết Trung Quốc đang xem xét đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán.
Ngày 22/7, Trung Quốc xác nhận Mỹ đã bất ngờ yêu cầu nước này đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston.
Theo Xinhua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích yêu cầu này của phía Mỹ.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ trong ngày 21/7, phía Trung Quốc đã nhận được thông báo của Mỹ rằng nước phải đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/7 cho biết việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston là nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người dân Mỹ.
Trả lời báo giới tại thủ đô Copenhagen khi tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du Đan Mạch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng: "Chúng tôi đã chỉ đạo đóng cửa Tổng lãnh sứ quán Trung Quốc tại Houston để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người dân Mỹ".
Các chuyên gia dầu mỏ nhận định căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến cách Bắc Kinh giải quyết đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề địa chính trị khác cũng đang gây áp lực lên giá dầu.
Bên cạnh đó, về nguồn cung, nhiều dấu hiệu cho thấy Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vẫn không đạt được mục tiêu cắt giảm theo hiệp ước giảm cung do tổ chức này cùng thực hiện với các đồng minh để tránh tình trạng dư cung toàn cầu.