Giá dầu không dễ sớm hạ nhiệt
Giới chuyên gia nhận định việc sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược không giải quyết được những vấn đề dài hạn liên quan đến nguồn cung và giá dầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31-3 quyết định giải phóng 180 triệu thùng từ kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) trong 6 tháng tới nhằm giúp ứng phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trước đó, theo Reuters, khi có thông tin trên, giá dầu thô Brent giao sau có lúc giảm còn 107,08 USD/thùng.
Thông tin trên phủ bóng lên cuộc họp của OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số quốc gia bên ngoài, trong đó có Nga) vào ngày 31-3.
Sau đó một ngày, bộ trưởng các nước thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhóm họp để thảo luận việc cùng nhau mở kho dự trữ dầu để giảm áp lực nguồn cung của thị trường. Trước đó, các thành viên IEA vào đầu tháng 3 nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu nhằm hạ nhiệt giá dầu, trong đó có 30 triệu thùng đến từ SPR của Mỹ.
Theo Reuters, các nước tiêu thụ dầu hàng đầu xem việc xả kho dự trữ là một trong những công cụ chính đối phó tình trạng giá dầu tăng cao. Dù vậy, động thái này được cho là sẽ không đủ trấn an thị trường trước nỗi lo thiếu hụt nguồn cung từ Nga - hiện xuất khẩu 7-8 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế mỗi ngày.
Theo tính toán của IEA, con số này có thể giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4 do đòn trừng phạt Nga của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Để so sánh, trong lần xả SPR mới nhất của Mỹ, lượng dầu tung ra hằng ngày dự kiến vào khoảng 1 triệu thùng.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết SPR nước này hiện có 568,3 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2002. Cho đến nay, các động thái mở SPR của Mỹ vẫn chưa giúp giá dầu giảm đáng kể giữa lúc nhu cầu trên thế giới tăng trở lại mức gần trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong lúc nguồn cung bị hạn chế.
Chẳng hạn như hồi tháng 11-2021, chính quyền Tổng thống Biden đã tung 50 triệu thùng dầu từ SPR trong động thái phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh. Dù vậy, bước đi này khi đó không ngăn được giá dầu tăng lên hơn 100 USD/thùng.
Dù nguồn cung từ kho dự trữ không phải là lâu dài, một số chuyên gia nhận định việc Mỹ tiếp tục mở SPR có thể giúp giá dầu bớt biến động và không còn tăng mạnh đột ngột. Họ cũng lưu ý rằng bước đi này còn cho thấy hiện không nhiều kỳ vọng cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ sớm chấm dứt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) chỉ ra rằng vẫn cần giải pháp dài hạn cho vấn đề giá dầu. Theo Reuters, việc sử dụng SPR không giải quyết những vấn đề dài hạn liên quan đến nguồn cung, như cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu tiêu dùng mạnh trong khi năng lực khai thác hạn chế của một số nhà sản xuất nên không đủ bù đắp sự thiếu hụt hiện nay...
Trước mắt, đã xuất hiện lời kêu gọi các chính phủ xả SPR nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho rằng IEA có thể cam kết giải phóng 50 triệu thùng dầu/tháng hoặc nhiều hơn thế từ giờ đến cuối năm nay.
Trong khi đó, ông Neil Atkinson, một cựu quan chức cấp cao của IEA, nhận định chỉ có những lần xả kho dự trữ với số lượng lớn mới đủ tạo khác biệt đối với thị trường toàn cầu hiện có nhu cầu lên đến 100 triệu thùng dầu/ngày.
Về lâu dài, chìa khóa để giúp tái cân bằng thị trường là tăng sản lượng khai thác dù hướng đi này có thể mất thời gian. Tác động của đại dịch Covid-19 khiến sản lượng dầu khai thác ở Mỹ sụt giảm.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ dự báo nước này sẽ trở lại là quốc gia xuất khẩu ròng dầu mỏ vào năm 2023. Trong khi đó, OPEC+ nhiều khả năng tiếp tục không tăng thêm sản lượng khai thác trong những tháng tới bất chấp sức ép từ các nước tiêu thụ dầu.
EU tìm đến châu Phi
Ủy ban châu Âu đang sẵn sàng áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Reuters hôm 30-3 dẫn nguồn tin mật từ Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ thông tin trên, đồng thời cho biết quy mô gói trừng phạt mới phụ thuộc lập trường của Moscow về yêu cầu thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp. EU đến nay vẫn chưa cấm nhập khẩu bất cứ sản phẩm nhiên liệu hóa thạch nào từ Nga - quốc gia hiện chiếm khoảng 40% nguồn cung khí đốt tự nhiên cho các nước EU.
Cùng ngày, Điện Kremlin nhấn mạnh Moscow sẽ không yêu cầu người mua khí đốt thanh toán bằng đồng rúp ngay lập tức. Trong khi đó, chính phủ Đức cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng châu Âu có thể tiếp tục trả tiền khí đốt Nga bằng đồng euro, thay vì đồng rúp như thông báo trước đó.
Trong bối cảnh Mỹ, EU và Anh đang tìm cách loại bỏ dần nguồn cung khí đốt Nga, giới lãnh đạo phương Tây có thể tìm đến các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Phi - Hạ Sahara. Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi di Maio nói với đài CNBC rằng ông vừa đến các nước như Mozambique, CH Congo và Angola trong nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác về nguồn cung LNG.
Theo ông di Maio, châu Âu đang đa dạng hóa nguồn cung để giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng Nga. Các nhà phân tích tại Công ty Verisk Maplecroft (Anh) gần đây nhận định châu Phi dù không thể thay thế Nga nhưng có thể giúp củng cố nguồn cung khí đốt. Các tập đoàn dầu khí lớn như BP (Anh), TotalEnergies (Pháp), Eni (Ý) và Exxon Mobil (Mỹ) đều đã hiện diện ở châu Phi - Hạ Sahara.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-dau-khong-de-som-ha-nhiet-20220331212709715.htm