Giá dầu rời khỏi mức 'đỉnh' của hai tháng
Khép lại tuần giao dịch nhiều biến động vừa qua, giá dầu thô nhọt nhẹ Mỹ giảm nhẹ 0,1%, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc nhích thêm 0,1%, dưới tác động của hai yếu tố chính là các diễn biến xung quanh đàm phán thương mại Mỹ-Trung và khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu.
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tuần, khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung thiếu những bước đột phá, gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư. Nhà phân tích về hàng hóa tại Schneider Electric, Robbie Fraser, cho rằng việc thiếu đột phá trong đàm phán thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây ra những trở ngại. Trung Quốc có thể sẽ chỉ đồng ý với thỏa thuận thương mại giai đoạn nếu Mỹ nhất trí dỡ bỏ một số loại thuế hiện hành, điều mà Tổng thống Mỹ phản đối.
Giá dầu cũng giảm sau khi các nguồn tin cho biết Nga sẽ không thể nhất trí cắt giảm sản lượng hơn nữa tại cuộc họp với các nước sản xuất dầu mỏ khác vào tháng tới. Ngoài ra, việc đồng USD lên giá đã khiến dầu thô được định giá theo đồng tiền này ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch sau đó, giá dầu thế giới tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong gần hai tháng qua, sau khi hãng tin Reuters đưa tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến giữa năm 2020 và Trung Quốc đã mời các nhà đàm phán thương mại Mỹ tiến hành một vòng đàm phán mới.
Theo các nguồn tin từ OPEC, để hỗ trợ giá dầu, OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể sẽ quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng Sáu năm sau tại cuộc họp tháng tới, nhưng có khả năng sẽ không tuyên bố cắt giảm sâu hơn tại thời điểm này. Bên cạnh đó, giá dầu cũng nhận được lực đẩy sau khi tờ Wall Street Journal ngày 21/11 đưa tin Trung Quốc đã mời các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ tiến hành một vòng đàm phán mới tại Bắc Kinh. Một bài báo đăng trên South China Morning Post cũng cho biết Mỹ có thể sẽ hoãn đánh thuế mới đối với hàng hóa của Trung Quốc kể cả khi hai bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 15/12.
Bước sang phiên giao dịch cuối cùng trong tuần qua, giá dầu lại rơi khỏi các mức cao nói trên khi những lo ngại về đàm phán thương mại Mỹ-Trung lấn át các đồn đoán về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Khép lại phiên 22/11, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 58 xu Mỹ xuống còn 63,39 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 81 xu Mỹ xuống 57,77 USD/thùng. Sau khi thu hẹp đà tăng trước đó, cả hai loại dầu trên khép lại tuần giao dịch vừa qua hầu như không biến động nhiều so với tuần trước.
Ông John Kilduff, đối tác của công ty quản lý vốn Again Capital Management ở New York, cho rằng tình hình Mỹ-Trung kém lạc quan đã khiến sự khởi sắc của giá dầu trong hai phiên gần đây mất đà.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22/11 cho biết, nước này muốn đạt được một thỏa thuận thương mại ban đầu với Mỹ và đã rất nỗ lực để tránh xảy ra cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng có hành động đáp trả nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường của công ty CMC Markets and Stockbroking ở Sydney nhận định giá dầu đang chịu một chút áp lực bán ra sau khi đạt “đỉnh” trong các phiên gần đây.