Giá dầu sụt mạnh vì khủng hoảng Covid Ấn Độ leo thang

Trước phiên giảm này, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất 2 tháng do dự báo lạc quan về nhu cầu. Mặt khác, sau 6 ngày ngừng hoạt động vì bị tấn công mạng, đường ống dẫn xăng dầu lớn nhất Mỹ Colonial Pipeline đã hoạt động trở lại...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/5), khi đại dịch Covid-19 tiếp tục leo thang ở Ấn Độ và một đường ống dẫn xăng dầu chủ chốt ở Mỹ hoạt động bình thường trở lại.

Trước phiên giảm này, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất 2 tháng do dự báo lạc quan của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong nửa cuối của năm 2021.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London sụt 2,27 USD/thùng, tương đương giảm gần 3,4%, còn 67,05 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt 2,24 USD/thùng, tương đương giảm 3,5%, còn 63,82 USD/thùng.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 4, theo trang CNBC.

Diễn biến giá dầu WTI trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Trong một tín hiệu bất lợi về nhu cầu tiêu thụ dầu, làn sóng Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm bớt ở Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới. Số liệu ngày 13/5 cho thấy Ấn Độ có gàn 363.000 ca nhiễm mới Covid và 4.120 ca tử vong vì Covid trong 1 ngày. Trong hơn 3 tuần qua, chưa khi nào số ca nhiễm mới ở nước này giảm dưới 300.000 ca.

“Giới đầu tư đang lo ngại sự lây lan của virus corona ở Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu”, một báo cáo của PVM Oil có đoạn. “Tuy nhiên, ảnh hưởng này được kỳ vọng không kéo dài và nửa sau của năm nay sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu”.

Sau 6 ngày ngừng hoạt động vì bị tấn công mạng, đường ống dẫn xăng dầu lớn nhất Mỹ Colonial Pipeline đã hoạt động trở lại. Đường ông này vận chuyển hơn 2,5 triệu thùng xăng dầu mỗi ngày.

Một nguyên nhân khác khiến giá dầu giảm mạnh phiên này là đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. USD tăng giá vì áp lực lạm phát ở Mỹ tăng đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Điệp Vũ -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-dau-sut-manh-vi-khung-hoang-covid-an-do-leo-thang.htm