Giá dầu tăng 3 tuần liên tiếp nhờ lạc quan về nhu cầu
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/5), đảo ngược một phần cú giảm mạnh trong phiên trước đó...
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/5), đảo ngược một phần cú giảm mạnh trong phiên trước đó, nhờ thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh và đồng USD trượt giá trở lại. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 còn căng thẳng ở Ấn Độ hạn chế mức tăng của giá dầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng gần 2,5%, chốt ở 68,71 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị tường New York tăng hơn 2,4%, đạt 65,37 USD/thùng.
Trong phiên ngày thứ Năm, giá hai loại dầu này cùng giảm hơn 3%.
Chứng khoán Phố Wall và toàn cầu hồi phục mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trấn an giới đầu tư rằng chưa đến lúc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trước đó, thị trường chứng khoán sụt mạnh trong ba phiên đầu tuần, khi nhà đầu tư lo ngại lạm phát leo tháng sẽ dẫn tới việc Fed tăng lãi suất và giảm bơm tiền sớm hơn dự kiến.
Giá cổ phiếu tăng giúp giảm bớt sức ép đối với giá dầu. Ngoài ra, giá “vàng đen” còn được hỗ trợ bởi sự xuống giá của đồng USD. Trong phiên ngày thứ Năm, USD tăng giá là một nguyên nhân khiến giá dầu sụt sâu.
Tuần này, giá dầu chịu áp lực giảm từ cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Ấn Độ, nước tiêu thụ nhiều dầu thứ ba thế giới. Thị trường lo ngại biến chủng Covid Ấn Độ sẽ lây lan nhanh sang nhiều quốc gia khác, gây áp lực lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.
Ngày thứ Sáu, Ấn Độ báo cáo 343.144 ca nhiễm Covid mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này từ đầu dịch vượt ngưỡng 24 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm khoảng 4.000 trường hợp. Đã hơn 3 tuần nay, chưa có ngày nào số ca nhiễm mới ở Ấn Độ giảm dưới 300.000 ca, thậm chí các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại Mỹ trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Dù vậy, giá dầu trong tuần này nhận được sự hỗ trợ từ dự báo lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong nửa cuối năm 2021. Trong báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều tin rằng nhu cầu dầu sẽ khởi sắc mạnh trong 2 quý cuối năm nhờ điều kiện kinh tế thế giới được cải thiện.
Tính cả tuần, dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 0,7%. Đây là tuần tăng thứ ba liên tiếp của hai loại dầu này, theo dữ liệu từ FactSet.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-dau-tang-3-tuan-lien-tiep-nho-lac-quan-ve-nhu-cau.htm