Giá dầu tăng do lo thiếu nguồn cung

Giá dầu tăng phiên thứ 3 liên tiếp sau khi hoạt động xuất khẩu ở Iraq bị đình trệ cùng hy vọng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng được kiềm chế.

Giá dầu thô Brent trong phiên giao dịch hôm 29-3 (giờ địa phương) có lúc tăng lên 79,07 USD/thùng trong khi dầu thô WTI của Mỹ có thời điểm lên đến 73,81 USD/thùng.

Chuyên gia Stephen Brennock tại nhà môi giới dầu PVM (Mỹ) cho rằng: "Tình trạng gián đoạn càng kéo dài, triển vọng nguồn cung sẽ càng bị siết chặt hơn".

Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ sự sụt giảm lượng dầu trong kho dự trữ của Mỹ. Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ hôm 28-3, dự trữ dầu thô Mỹ đã giảm 6,1 triệu thùng.

Bồn chứa dầu và các đường ống dẫn dầu thô tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, bang Texas - Mỹ Ảnh: REUTERS

Bồn chứa dầu và các đường ống dẫn dầu thô tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, bang Texas - Mỹ Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết Mỹ có thể bắt đầu mua lại dầu thô cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) vào cuối năm nay sau khi Tổng thống Joe Biden hồi năm ngoái ra lệnh xả kho nhằm ngăn giá dầu tăng vọt.

Chính quyền ông Biden dự định mua lại dầu thô cho SPR khi giá dầu ở mức khoảng 67-72 USD/thùng hoặc thấp hơn. SPR hiện chứa khoảng 372 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1983.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết nước này đã chuyển hướng thành công hoạt động xuất khẩu dầu bị ảnh hưởng bởi chế tài phương Tây sang các nước "thân thiện" ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin và Trung Đông.

Ông Shulginov nhắc lại rằng sản lượng dầu khí của Nga dự kiến giảm trong năm nay do Moscow chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và thiếu khách hàng châu Âu. Các nước châu Âu hôm 28-3 cũng đã nhất trí tìm kiếm hành động pháp lý để chặn khí tự nhiên hóa lỏng của Nga vào Liên minh châu Âu (EU).

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hôm 28-3 cho hay Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu sang EU, thay thế Nga. Nguồn cung dầu của Nga đến khu vực này đã giảm từ 31% vào tháng 1-2022 chỉ còn 4% trong tháng 12-2022.

Trong khi đó, lượng dầu xuất khẩu từ Mỹ trong cùng kỳ đã tăng từ 13% lên 18%. Dữ liệu của Eurostat cũng cho thấy lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga của châu Âu đã giảm mạnh trong năm qua, giúp Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU chỉ sau Na Uy.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-dau-tang-do-lo-thieu-nguon-cung-20230329203520622.htm