Giá dầu tăng, hàng nghìn tàu cá phải nằm bờ
Bộ Thủy sản đã thành lập một tổ công tác đến các tỉnh trọng điểm về nghề khai thác nghiên cứu về những giải pháp cơ bản để khắc phục tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng với nghề khai thác hải sản..
Dầu tăng, tàu khai thác xa bờ
phải nằm bờ.
Ngư dân các tỉnh miền trung chưa hết bàng hoàng bởi thiệt hại của cơn bão số 1 thì lại phải đối mặt với khó khăn từ việc giá xăng, dầu tăng. Hàng nghìn tàu khai thác hải sản phải nằm bờ do chi phí đi biển tăng, trong khi đó nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt.
Dầu lên, cá không lên
Khi biết giá xăng dầu tăng từ ngày 9-8, anh Văn Công Việt, chủ tàu cá phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn (Bình Định) bức xúc: Từ đầu năm đến nay nhìn chung biển đói (không có cá), đời sống của bà con rất khó khăn. Không chỉ giá dầu tăng mà vật giá trên bờ như ngư, lưới cụ hay đá lạnh cũng đua nhau tăng.
Anh Việt nói: "Hơn ba tháng rồi tàu của tôi và nhiều chủ tàu khác đã phải nằm bờ. Nay giá dầu tiếp tục tăng thì không biết thời gian tàu nằm bờ sẽ phải kéo dài đến bao giờ. Trước kia một chuyến đi biển đánh được một tấn cá là đủ chi phí, bữa nay phải đánh được 1,5 tấn cá mới đủ".
Tiến sĩ Lê Tiêu La, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ Thủy sản) cho biết: Việc tăng giá dầu diesel từ 4.650 đồng/lít (năm 2004) lên 8.600 đồng/lít (ngày 9-8-2006) tác động rất lớn đến nghề khai thác hải sản xa bờ, nhất là tại các tỉnh có lượng tàu cá lớn như: Cà mau, Kiên Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi.
Uớc tính chi phí về nhiên liêu cho một chuyến đi biển hiện nay tăng khoảng 1,7 lần so năm 2004, nhưng giá bán hải sản tăng không đáng kể (bình quân tăng 100-300 đồng/kg).
Chi phí cho một chuyến đi biển tăng, nhưng sản lượng khai thác lại giảm và giá hải sản hầu như không tăng đã khiến hàng nghìn tàu cá phải nằm bờ vì các chủ tàu sợ thua lỗ.
Nhiên liêu là yếu tố đầu vào hết sức quan trọng đối với hoạt động khai thác hải sản, vì ngư trường khai thác xa đến hàng nghìn km, nên chi phí nhiên liệu cho một tàu đi biển rất lớn.
Các chủ tàu đều phải tính toán rất kỹ trước khi ra biển. Từ năm 2004 đến nay, nước ta đã tám lần tăng giá xăng, dầu. Mỗi đợt tăng giá xăng, dầu là một cú sốc với ngư dân.
Đến nay, cả nước có hơn 90 nghìn tàu khai thác hải sản, tiêu tốn 1.877 triệu lít dầu diesel/năm. So với năm 2004, chi phí dầu cho lượng tàu khai thác hải sản nước ta tăng 6.100 tỷ đồng/năm.
Từ năm 2004 đến nay, giá hải sản khai thác tăng không đáng kể (100-300 đồng/kg). Năm 2005, sản lượng khai thác hải sản của cả nước đạt 1,8 triệu tấn, giá trị chỉ tăng khoảng 250 tỷ đồng. Chi phí xăng dầu của đội tàu cả nước tăng thêm 5.560 tỷ đồng/năm.
Điều đó cho thấy, việc tăng giá xăng, dầu không chỉ tăng chi phí sản xuất mà còn làm giảm hiệu quả kinh tế của hoạt động khai thác, nhất là đối với nghề lưới kéo, khai thác hải sản xa bờ.
Gỡ khó không dễ
Để đối phó với giá xăng, dầu tăng, ông Nguyễn Tấn Sơn, chủ của ba tàu cá, tại 35 Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết (Bình Thuận) chọn nghề giã cào đơn. Nghề này có ưu điểm đánh bắt rất nhiều loại cá. Cho nên, các chuyến đi biển thường ít khi bị lỗ như các nghề lưới kéo khác.
Ông Sơn cho biết, bình quân một chuyến đi biển từ 12 đến 14 ngày, với lượng dầu tiêu tốn khoảng 3.000 lít. Với giá dầu tăng như hiện nay, chi phí cho một chuyến đi biển tăng 12-15 triệu đồng/tàu.
Nghề giã cào tiêu tốn nhiên liệu hơn các nghề lưới rút, mành, nhưng tàu có công suất càng lớn thì nghề giã cào càng bắt được nhiều cá, có lãi lớn. Vì vậy, trong khi 40% số tàu tại phường phải nằm bờ thì tàu của ông vẫn ra khơi đều đặn và đều có lãi.
Trong số rất nhiều loại cá đánh bắt được chỉ có 30% sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (như mực ống), 70% còn lại chủ yếu là cá tạp, giá trị rất thấp.
Ông Huỳnh Quang Huy, Phó trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Thủy sản Bình Thuận) cho rằng: Hiện nay, Bộ Thủy sản không khuyến khích nghề giã cào vì nghề này sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản.
Do áp lực của giá xăng, dầu tăng nên ngư dân phải tính toán lựa chọn nghề khai thác phù hợp, bảo đảm cuộc sống. Nhưng bảo cấm ngư dân khai thác bằng nghề giã cào đối với địa phương hết sức khó khăn.
Quyền Giám đốc Sở Thủy sản Khánh Hòa Đào Công Thiên cho rằng: Việc đề xuất giải pháp đối phó với giá xăng, dầu tăng, giúp ngư dân khai thác có hiệu quả là rất khó không chỉ với Bộ Thủy sản mà cả đối với tỉnh Khánh Hòa.
Tỉnh có đảo Đá Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) đang được Tổng công ty hải sản Biển Đông xây dựng khu dịch vụ hậu nghề cá. Thời gian từ đó về đất liền mất khoảng bốn ngày, bốn đêm, tiêu tốn nhiên liệu rất nhiều.
Nếu ở đó chúng ta xây dựng một khu dịch vụ hậu cần trực tiếp cung cấp đá, nước và xăng, dầu cho tàu cá thì sẽ giảm chi phí về đất liền rất lớn
Theo tiến sĩ Lê Tiêu La, Bộ Thủy sản vừa đề xuất hai nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài, kiến nghị Thủ tướng ba vấn đề về thuế, tín dụng và giá cho hoạt động khai thác hải sản.
Bộ Thủy sản kiến nghị Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp; giảm đánh bắt ven bờ hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các nghề khác; khoanh nợ, xóa nợ các khoản thuế mà ngư dân phải nộp còn nợ từ năm 2003 đến nay.
Các ngân hàng thương mại cho các chủ tàu kéo dài thời gian trả nợ; tiếp tục cho vay vốn để nâng cấp, hiện đại hóa trang, thiết bị hiện đại trên tàu phục vụ khai thác như máy tầm ngư, máy định vị.
Bộ Thủy sản thành lập các HTX thủy sản kết hợp giữa khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiết kiệm xăng, dầu bằng cách thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển; thí điểm mô hình tàu mẹ, tàu con tham gia vận chuyển cá về đất liền tiêu thụ, chở nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cung cấp cho các tàu cá đang hoạt động trên biển.
Nâng cao năng lực đánh bắt và hiện đại hóa công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác; nâng cao chất lượng thông tin dự báo ngư trường, nguồn lợi hải sản, giúp ngư dân xác định đúng vị trí để khai thác có hiệu quả.
Bộ Thủy sản đã thành lập một tổ công tác đến các tỉnh trọng điểm về nghề khai thác nghiên cứu về những giải pháp cơ bản để khắc phục tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng với nghề khai thác hải sản..
Từ nay đến năm 2010, cả nước sẽ giảm 50% số lượng tàu thuyền; chuyển nghề khai thác gần bờ ra khai thác xa bờ. Đối với các nghề khai thác gần bờ như giã cào sẽ phải chuyển, nếu không nguồn lợi hải sản ven bờ sẽ cạn kiệt.
Nhưng với những khó khăn như hiện nay, đặc biệt là khó khăn do giá xăng dầu tăng thì mục tiêu của Bộ thủy sản đề ra đến năm 2010 giảm 50% số lượng tàu cá khó có thể đạt được.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gia-dau-tang-hang-nghin-tau-ca-phai-nam-bo-370244