Giá dầu thế giới giảm ba tuần liên tiếp

Giá dầu thế giới liên tiếp lao dốc vào đầu tuần và mặc dù đã phục hồi phần nào sau đó, nhưng việc mất 1,5% trong phiên cuối tuần đã khiến thị trường 'vàng đen' chứng kiến tuần đi xuống thứ ba liên tiếp.

Nhà máy lọc dầu ở California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhà máy lọc dầu ở California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nối dài đà giảm từ cuối tuần trước, giá dầu trải qua hai phiên đầu tuần ảm đạm (ngày 22-23/7). Giá dầu thậm chí chạm mức thấp nhất trong hơn 1 tháng khi nhà đầu tư hướng sự chú ý vào việc dự trữ dầu tăng lên, cùng với dấu hiệu nhu cầu yếu.

Theo phân tích của StoneX, lượng dầu dự trữ toàn cầu đã tăng vào tuần trước. Chuyên gia phân tích Alex Hodes của StoneX lưu ý rằng tổng lượng dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc dầu đang có xu hướng tăng cao hơn tại tất cả các trung tâm giao dịch chính, ngoại trừ châu Âu.

Trung Đông, những nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas theo kế hoạch do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hồi tháng Năm đã dần đạt được động lực trong tháng qua. Xung đột ở Dải Gaza đã hỗ trợ giá dầu kỳ hạn, khi các nhà đầu tư đánh giá rủi ro về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu tại các khu vực sản xuất chủ chốt ở Trung Đông.

Phiên giao dịch 24-25/7, giá dầu thế giới đi lên, sau số liệu kinh tế tích cực của Mỹ và sự sụt giảm mạnh lượng dự trữ nhiên liệu của nước này. Tuy nhiên, giá dầu vẫn dao động gần mức thấp nhất trong sáu tuần do lo ngại nhu cầu toàn cầu yếu.

Số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 25/7 cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự đoán trong quý II/2024, trong khi lạm phát giảm, từ đó thúc đẩy các dự đoán rằng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng Chín tới. Lãi suất thấp hơn được dự đoán sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế, từ đó có thể làm tăng lượng dầu tiêu thụ.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, số liệu chính phủ cho thấy nhập khẩu dầu và hoạt động lọc dầu trong năm nay có xu hướng giảm so với năm 2023 do nhu cầu nhiên liệu yếu hơn, giữa lúc tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/7, giá dầu mất khoảng 1,5%, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc. Thị trường cũng đang nuôi hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,24 USD, tương đương 1,5%, xuống mức 81,13 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 1,12 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 77,16 USD/thùng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm hơn 1%, trong khi giá dầu WTI giảm hơn 3%.

George Khoury, người đứng đầu bộ phận giáo dục và nghiên cứu toàn cầu tại CFI cho biết: “Số liệu tăng trưởng GDP của Mỹ tốt hơn mong đợi đã hỗ trợ thị trường dầu thô. Tuy nhiên, nhân tố tích cực này đã bị lu mờ bởi những lo ngại về nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đang sụt giảm”.

Dữ liệu công bố vào tuần trước cho thấy tổng lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc giảm 11% trong nửa đầu năm 2024, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc.

Ông Bob Yawger, Giám đốc thị trường năng lượng kỳ hạn tại Mizuho ở New York, cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang có nguy cơ bước vào chu kỳ giảm phát, nơi giá cả sẽ giảm do nhu cầu giảm. Ông nói: “Đó là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một quốc gia là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất hành tinh”.

Trong khi đó, nhu cầu từ Mỹ- nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới- cũng được dự đoán sẽ giảm do các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang chuẩn bị cắt giảm sản lượng khi mùa du lịch Hè sắp kết thúc.

Theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã tăng 5 giàn lên 482 trong tuần này và 3 giàn trong cả tháng 7/2024, khiến lượng giàn khoan trong tháng này tăng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2024.

Minh Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-the-gioi-giam-ba-tuan-lien-tiep-20240727120646563.htm