Giá dầu thế giới khởi sắc khi căng thẳng giữa Iran và phương Tây gia tăng
Giá 'vàng đen' duy trì đà tăng trong phiên 26/7 và sắp chứng kiến tuần phục hồi do căng thẳng địa chính trị tại vùng Vịnh tiếp tục kéo dài.
Các nhà giao dịch dầu tiếp tục quan ngại nguồn cung dầu tại Trung Đông bị gián đoạn khi xung đột chính trị giữa Iran và phương Tây chưa được giải quyết.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng 16 xu Mỹ, lên mức 63,55 USD/thùng, có thể đạt mức leo dốc 1,7% tính chung trong tuần này. Giá mặt hàng dầu này đã sụt tới 6% trong tuần trước.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cộng 21 xu Mỹ, được giao dịch ở mức 56,23 USD/thùng, sắp chứng kiến mức tăng 1% trong tuần này sau khi lao dốc 7,5% trong tuần trước.
Căng thẳng chính trị tiếp tục gia tăng tại Eo biển Hormuz - tuyến đường hàng hải vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới, vì Iran từ chối thả tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ hồi trước ở vùng Vịnh.
Trong một diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 25/7 cho biết, Washington đã yêu cầu Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Australia và các quốc gia khác tham gia một liên minh an ninh hàng hải ở Trung Đông để đảm bảo an toàn cho các tàu chở dầu và các sản phẩm khác di chuyển qua Eo biển Hormuz.
Nhà phân tích Al Stanton của Al Ranton nhận định: “Yếu tố căng thẳng địa chính trị tại vùng Vịnh làm gia tăng thêm rủi ro đối với nguồn cung dầu mỏ bất chấp nguồn cung trên thị trường toàn cầu vẫn đủ”.
Ngoài ra, thị trường dầu thế giới cũng được hỗ trợ nhờ lượng tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh hơn mức dự báo của giới phân tích.
Tuy nhiên, giá dầu hiện vẫn chịu áp lực trước những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị đình trệ từ đầu tháng 5. Dự kiến, các nhà đàm phán hàng đầu của Washington và Bắc Kinh sẽ gặp nhau vào tuần tới để thảo luận nhằm đạt một thỏa thuận thương mại. Bất kỳ kết quả tích cực nào đạt được trong vòng đàm phán sắp tới sẽ hỗ trợ giá dầu đi lên.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến do hãng Reuters tiến hành mới đây, hơn 500 nhà kinh tế vẫn bày tỏ lo lắng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tâm lý bi quan được thể hiện rõ ràng hơn khi kết quả các cuộc thăm dò mới nhất của Reuters được thực hiện từ ngày 1-24/7 cho thấy, triển vọng tăng trưởng của gần 90% trong số hơn 45 nền kinh tế được khảo sát đã bị hạ thấp hoặc không thay đổi. Điều này không chỉ áp dụng cho năm nay mà cả năm 2020.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại công ty môi giới Phillip Futures có trụ sở tại Singapore, những thách thức ngày càng tăng của kinh tế vĩ mô đã hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên này.