Giá dầu thô 23/8: Giá dầu tăng trở lại, OPEC có thể giảm sản lượng để ngăn giá dầu giảm sâu thêm

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 23/8, giá dầu thô đã tăng trở lại sau khi Saudi Arabia cảnh báo OPEC có thể giảm sản lượng khai thác để ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng dầu tại châu Âu có thể bị đứt gãy khi một tuyến đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan gặp sự cố.

 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày qua (Nguồn: Oil Price)

Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày qua (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 10h00 sáng nay ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng 0,83% lên 97,27 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 22/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm nhẹ 0,25% xuống 96,48 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 giảm 0,6% xuống còn 90,23 USD/thùng, qua đó chấm dứt mạch tăng giá kéo dài 3 phiên liên tiếp.

Giá dầu thô tăng giá trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi Saudi Arabia cảnh báo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn việc giá dầu thô suy giảm trong thời gian gần đây dưới áp lực thanh khoản trên thị trường giao dịch dầu thô tương lai giảm mạnh và giới đầu tư lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã giảm lần lượt khoảng 12% và 8%.

Saudi Arabia cảnh báo việc giá dầu thô của các hợp đồng giao tương lai giảm xuống khiến thị trường quên rằng tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay vẫn ở mức nghiêm trọng. Saudi Arabia hiện là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất OPEC và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết liên minh OPEC+ hiện có các công cụ và dư địa để xử lý các thách thức. Liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga, hiện kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Trong khi đó, tuyến đường ống dẫn dầu CPC từ Kazakhstan đi qua Nga đang gặp sự cố khiến hoạt động cung ứng dầu, đặc biệt là tại khu vực châu Âu, có thể gặp khó khăn. Tuyến đường ống dẫn dầu CPC chiếm đến 1% tổng lượng dầu thô được phân phối trên toàn cầu. Sự cố này diễn ra trong lúc châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lương do thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô đã bị kìm hãm bởi các thông tin liên quan đến triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc phương Tây. Chính phủ Hoa Kỳ cho biết “các bên đã gần đạt được một thỏa thuận” khi Iran “trở nên linh hoạt hơn”. Giới phân tích nhận định nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế có thể tăng đáng kể nếu như thỏa thuận hạt nhận này đạt được, mở đường cho việc phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran.

Hiện thị trường tập trung theo dõi dữ liệu về lượng tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ, dữ liệu sẽ được công bố vào cuối ngày hôm nay. Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích kỳ vọng cả lượng tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ đều đã giảm xuống trong tuần trước.

Tường Vy

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gia-dau-tho-238-gia-dau-tang-tro-lai-opec-co-the-giam-san-luong-de-ngan-gia-dau-giam-sau-them-98129.htm