Giá dầu tiếp tục trượt dốc

Giá dầu giảm trong bối cảnh không chắc chắn về khả năng khu vực đồng euro trừng phạt hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga và sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo giải phóng một lượng lớn dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp.

Giá dầu cũng lao dốc do lo ngại lệnh phong tỏa ở Trung Quốc nhằm ngăn làn sóng dịch Covid-19 mới sẽ làm chậm đà phục hồi nhu cầu về dầu.

Tại Trung Quốc, nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng phong tỏa trên diện rộng ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc.

Ông John Kilduff, đối tác của Công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC ở New York, cho biết: "Tình hình nhu cầu dầu mỏ ở Trung Quốc không thực sự tốt, đặc biệt là khi chúng tôi có quá nhiều nguồn cung mới trên thị trường".

Các đường ống dẫn dầu tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, bang Texas - Mỹ. Ảnh: Reuters

Các đường ống dẫn dầu tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, bang Texas - Mỹ. Ảnh: Reuters

Giá dầu Brent vào khoảng 9 giờ ngày 8-4 (giờ Việt Nam) giảm xuống 100,84 USD/thùng trong khi dầu thô WTI có giá khoảng 96,47 USD/thùng. Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu Brent và WTI đã giảm hơn 5% xuống mức giá thấp nhất lúc đóng phiên kể từ hôm 16-3.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu Josep Borrell nói trong cuộc họp NATO rằng các biện pháp mới của EU, bao gồm lệnh cấm than của Nga, được thông qua trong ngày 8-4 và khối này sẽ thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ tiếp theo sau đó.

Tuy nhiên, lệnh cấm than sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ giữa tháng 8, chậm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.

Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ tiếp tục mua dầu thô nhập khẩu giảm giá của Nga, khiến các nhà phân tích dự đoán khoảng 2-3 triệu thùng dầu Nga được tiêu thụ mỗi ngày trên thị trường toàn cầu.

Hôm 6-4, các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nhất trí xả 120 triệu thùng dầu trong 6 tháng từ kho dự trữ dầu mỏ để giúp giảm giá nhiên liệu. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin nước này cũng sẽ xả 15 triệu thùng dầu từ các nguồn dự trữ của nhà nước và tư nhân.

Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) cho biết động thái xả kho dầu dự trữ có thể sẽ ngăn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) tăng sản lượng cung dầu ra thị trường. Các nhà phân tích khác cho rằng việc xả kho dầu của các nước là giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh lo ngại về sự thắt chặt của nguồn cung dầu trên thị trường.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-dau-tiep-tuc-truot-doc-20220408090424295.htm