Giá dầu toàn cầu đạt mức cao nhất trong 2 năm

Giá dầu Brent đạt đỉnh 89 USD/thùng vào ngày 2/4, gần mức từng ghi nhận lần cuối vào tháng 6/2022. Các chuyên gia trong ngành cho rằng sự gia tăng này là do cuộc không kích của Israel vào lãnh sự quán Iran ở Damascus và lời đe dọa trả đũa của Tehran.

Theo số liệu của Intercontinental Exchange (ICE), giá dầu Brent tương lai đã tăng gần 2% kể từ thứ Hai (1/4) để giao dịch ở mức 89,060 USD/thùng vào lúc 10:25 GMT, trước khi giảm nhẹ. Trong khi đó, điểm chuẩn của dầu thô West Texas Middle (Mỹ) đã vượt quá 85 USD/thùng.

Hôm thứ Hai, Iran - một nhà sản xuất dầu lớn - đã đe dọa sẽ có phản ứng "khắc nghiệt" đối với Israel. Vụ tấn công vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Damascus đã khiến 7 cố vấn quân sự Iran tử vong, trong đó có 3 chỉ huy cấp cao.

 Một giàn khoan dầu trên biển đốt LNG như một phần của hoạt động thăm dò. Ảnh: Dazman/RT.

Một giàn khoan dầu trên biển đốt LNG như một phần của hoạt động thăm dò. Ảnh: Dazman/RT.

Israel đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các cơ sở của Iran ở Syria do Tehran bị cáo buộc ủng hộ nhóm Hamas của Palestine ở Gaza. Dù Israel chưa bình luận về vụ tấn công mới nhất nhưng tờ New York Times dẫn lời 4 quan chức Israel giấu tên thừa nhận Israel đứng đằng sau vụ tấn công này.

Trong những tháng gần đây, giá dầu đã tăng đáng kể do lo ngại xung đột Israel-Palestine có thể lan rộng sang khu vực Trung Đông. Khu vực này là nhà cung cấp năng lượng chủ chốt và là tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng.

Vào giữa tháng 3, giá dầu Brent đã tăng lên 85 USD/thùng khi phiến quân Houthi ở Yemen tăng cường bắn tên lửa vào các tàu buôn ở Biển Đỏ, gọi đó là hành động trả đũa cho hành động của Israel và những người ủng hộ nước này.

Theo dự báo của Bloomberg Economics, giá dầu có thể đạt 150 USD/thùng nếu Iran tham gia xung đột.

Dữ liệu của ICE cho thấy lần cuối cùng Brent giao dịch trên mức hiện tại là vào tháng 6 năm 2022 (98,460 USD/thùng vào ngày 28 tháng 6 năm 2022), trong giai đoạn đầu của chiến dịch trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn, vì xung đột Ukraine.

Giá dầu thô tăng cũng được củng cố bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Trung Quốc và dự đoán của các nhà kinh tế về thâm hụt nguồn dự trữ toàn cầu trong năm nay.

Lê Na (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-dau-toan-cau-dat-muc-cao-nhat-trong-2-nam-post290204.html