Giá dầu và lương thực tăng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ

Sự đình trệ sẽ bắt đầu với việc giá hàng hóa sản xuất và dịch vụ tăng mạnh theo giá vật liệu thô và năng lượng.

Giá dầu và lương thực tăng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ. Ảnh: Energy Transition

Giá dầu và lương thực tăng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ. Ảnh: Energy Transition

Việc giá dầu và lương thực tăng mạnh bắt đầu từ trước khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ như những năm 1970, với tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng.

Sự đình trệ sẽ bắt đầu với việc giá hàng hóa sản xuất và dịch vụ tăng mạnh theo giá vật liệu thô và năng lượng. Sự đình trệ này sẽ tiếp tục khi các nhà sản xuất tăng giá bán.

Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Không thể mua hàng với mức giá cao, người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu, từ đó khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Sự đình trệ của kinh tế toàn cầu vào những năm 1970, khi nổ ra cuộc chiến ở Trung Đông, là ví dụ điển hình. Giai đoạn đình trệ này bắt đầu khi giá dầu tăng mạnh do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cấm vận Mỹ và các đồng minh châu Âu của Israel.

Chỉ trong vài tháng, giá dầu thô tăng hơn ba lần, từ 3 USD lên 11 USD/thùng, từ đó gây ra làn sóng tăng giá trên toàn cầu, tiếp theo là tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Tình hình hiện nay khá giống với thời kỳ đó. Người phụ trách đầu tư của Bailard, Eric Leve, cho rằng kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là châu Âu, có nguy cơ đình trệ như những năm 1970, khi giá hàng hóa tăng do các biện pháp trừng phạt và các biện pháp đáp trả. Điều này có thể khiến giá cả tăng, làm xấu thêm các vấn đề của chuỗi cung ứng và làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Nhà phân tích Johan Palmberg của Hội đồng Vàng Thế giới cũng cùng chung nhận định về khả năng đình trệ, đặc biệt là với châu Âu, khi khu vực này tăng trưởng với tốc độ chậm và phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu.

Ông cho rằng nguy cơ đình trệ đang gia tăng và châu Âu đang cảm nhận rõ nhất, khi giá hàng hóa tăng mạnh và điều kiện kinh tế cũng như tài chính yếu hơn. Trong khi đó, số liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn vững.

Tuy nhiên, điều gây lo ngại là đường cong lợi suất trái phiếu của Mỹ đi ngang, trong khi đây thường là dấu hiệu về sự giảm sút của nền kinh tế.

Ông Palmberg cảnh báo các nhà đầu tư chứng khoán khi giá cổ phiếu chịu tác động mạnh nhất, trong khi vàng tăng giá do đây là tài sản dự phòng trước lạm phát./.

Lê Minh (Theo Bloomberg)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-va-luong-thuc-tang-co-the-khien-nen-kinh-te-toan-cau-dinh-tre/236188.html