Giá dầu WTI và Brent tuần qua tăng mạnh nhất kể từ tháng Sáu
Trong cả tuần, giá dầu WTI tăng 10,1%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 5/6, còn giá dầu Brent tăng 8,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/6.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ tăng nhẹ trong phiên 18/9, còn giá dầu Brent giảm nhẹ, nhưng nhìn chung cả hai loại dầu đều có mức tăng trong cả tuần mạnh nhất kể từ tháng Sáu, sau khi các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận về hạn ngạch cắt giảm sản lượng.
Theo số liệu của Dow Jones Market, trong cả tuần, giá dầu WTI tăng 10,1%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 5/6, còn giá dầu Brent tăng 8,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/6.
Trong phiên đầu tuần (14/9), giá dầu giảm khi các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu yếu. Giá dầu WTI giao tháng 10/2020 giảm 7 xu Mỹ, chốt phiên ở mức 37,26 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 11/2020 giảm 22 xu, xuống 39,61 USD/thùng.
Tuy nhiên, bước sang phiên 15/9, giá dầu đã tăng hơn 2% do cơn bão Sally làm gián đoạn nguồn cung.
Trong phiên 16/9, tiếp đà tăng, giá dầu đã tăng hơn 4%, sau khi dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ giảm và cơn bão Sally khiến hoạt động sản xuất dầu ở ngoài khơi của nước này phải tạm ngừng.
Chốt phiên 17/9, giá dầu tăng hơn 2% khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh (còn gọi là OPEC+) cho biết sẽ gây áp lực đối với các nước không tuân thủ việc cắt giảm sản lượng và dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp bất thường vào tháng 10/2020 nếu các thị trường năng lượng suy yếu hơn nữa.
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần (18/9), giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 10/2020 của Mỹ tăng 14 xu Mỹ, hay 0,3%, chốt phiên ở mức 41,11 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2020 giảm 15 xu, hay gần 0,4%, xuống 43,15 USD/thùng tại ICE Futures Europe.
Theo người phục trách chiến lượng thị trường của AxiCorp, cam kết tuân thủ thỏa thuận về hạn ngạch và sức ép từ Saudi Arabia liên quan đến sự cần thiết phải tuân thủ thỏa thuận đã hỗ trợ thị trường.
Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ đã tiến hành cuộc họp vào ngày 17/9, trong đó kéo dài thời gian mà các nước đã không tuân thủ đầy đủ việc hạn chế sản lượng trong những tháng trước có thể thực hiện việc cắt giảm bù.
OPEC+ đã hạ mức cắt giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày vào tháng Tám, từ mức kỷ lục trước đó là 9,7 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích tại Commerzbank, Eugen Weinberg, cho rằng nếu việc cắt giảm bổ sung được thực thi, thì lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ có thể được đẩy lùi và lượng dự trữ đã giảm đáng kể.
Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã nhấn mạnh tất cả các nước cần tuân thủ mức trần sản lượng, đồng thời cảnh báo đối với các nhà giao dịch đang đặt cược vào sự đi xuống của giá dầu.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng các mức giá dầu hiện nay đang gây căng thẳng cho tài chính công của một số nước sản xuất lớn. Người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, Helima Croft, cho hay nếu giá dầu giảm mạnh, các nước sản xuất dầu sẽ phải bảo vệ tài chính trong nước.
Mức giá hiện nay thấp hơn nhiều mức hòa vốn đối với phần lớn các nước sản xuất trong nhóm OPEC+ và nếu giá dầu ở mức 30 USD/thùng có thể đe dọa đến sự ổn định chính trị của một số nước sản xuất chủ chốt.
Bà Croft nhận định OPEC+ ít nhất sẽ hoãn thực hiện kế hoạch hạ mức cắt giảm sản lượng xuống 5,8 triệu thùng/ngày, điều sẽ đưa thêm 2 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường, khi OPEC+ nhóm họp vào tháng 12 tới./.