Giá điện bán lẻ có thể giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, theo Quyết định 28 năm 2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm có 6 bậc. Nhưng trong dự thảo sửa đổi trình Chính phủ sáng nay (21/8), giá điện bán lẻ đã được giảm từ 6 bậc thành 5 bậc.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 21/8, tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công thương trong công tác cung ứng điện cho tiêu dùng, sản xuất. Nếu như năm 2023, tình trạng thiếu điện cục bộ xảy ra thì tới năm nay đã có sự tiến bộ rất rõ.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, cách tính giá bậc thang điện hiện nay chưa phù hợp với người dân. Trong đó, bậc 1 của điện sinh hoạt quy định mức sử dụng chỉ từ 0-50kWh. Ngoài ra, người dân còn bị chịu thuế giá trị gia tăng (VAT 10%). Do đó, ông Hòa đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu, nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100kWh và tính toán xem có miễn được thuế VAT hay không?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia để khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm. Bởi điện là sản phẩm rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất nhiều, càng ảnh hưởng tới môi trường.
Hiện nay, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm có 6 bậc. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ trì đã sửa đổi Quyết định này. Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ sáng nay (21/8), giá điện bán lẻ được giảm từ 6 bậc thành 5 bậc. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0-50kwh lên 0-100kWh, như đề xuất của đại biểu Quốc hội mong muốn.
Cách tính này theo Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ góp phần hỗ trợ người nghèo. Đồng thời, mức hỗ trợ người nghèo vẫn giữ như cũ, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới mức 30kWh. Từ mức 30 cho đến hết khung bậc 1 người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.
Ngoài ra, để xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, dự thảo đề nghị điều chỉnh khung giá điện trong sản xuất, sinh hoạt tiệm cận hơn. Một số ngành sản xuất được điều chỉnh tương ứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Tuy nhiên ngay sau đó, tại điểm cầu tỉnh Bình Dương, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, Nhà nước không có chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, đồng thời giảm tiêu thụ nguồn điện quốc gia. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ Bộ có hướng giải quyết để tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư này cho các hộ xung quanh, để vừa giúp người dân có thêm nguồn thu, đồng thời tránh lãng phí chi phí đầu tư chung cho xã hội?.
Trong khi đó, tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) nói rằng, cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện trong năm 2022 và năm 2023. Do đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết giải pháp điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới?
Về việc điều hành giá điện còn bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải, việc điều hành giá điện vừa qua bất cập gây thua lỗ của ngành điện là không có. Bộ Công thương chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra. Trong xây dựng tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua là thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật điện lực và Luật Giá.
Theo đó, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước. Đầu vào thì hiện nay EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện. Bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia phải mua với cơ chế giá thị trường nhưng đầu ra thì phải bảo đảm bình ổn giá. Bởi vì giá điện có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác.
Về cơ chế điều hành như thế nào để EVN không bị lỗ trong tương lai, theo ông Diên ngành Công thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng, khách hàng sử dụng điện. Hiện nay thị trường mua, thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường mua buôn điện cạnh tranh đã được thực hiện tương đối tốt. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong dự thảo Luật Điện lực cũng như là sửa đổi những quy định hiện hành.