Giá điện tăng tác động thế nào đến giá cả tiêu dùng?

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện thêm 4,8% từ ngày 11-10 sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,04%.

Tăng giá điện gây áp lực lên giá cả tiêu dùng

Tăng giá điện gây áp lực lên giá cả tiêu dùng

Từ 11-10, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8%.

Đây là lần điều chỉnh tăng giá lần thứ 3 kể từ năm 2023. Trước đó vào năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh tăng, lần thứ nhất vào ngày 4/5/2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9-11-2023 là 86,4168 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4,5.

Như vậy, giá điện tăng thêm trong năm 2023 là hơn 142,3 đồng/kWh, giá điện sau tăng giá là 2.006,79 đồng/kWh.

Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh, tương đương với mức tăng 4,8%.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Nam- Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,04%. Đây là mức thấp so với mức đã được cân đối, tránh ảnh hưởng CPI và nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, việc tăng giá điện vừa rồi không gây áp lực lớn lên lạm phát.

Dù vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các đợt tăng giá điện gần đây có ảnh hưởng khá rõ rệt đến CPI. Cụ thể, trong suốt 9 tháng đầu năm 2024, giá bán lẻ điện được điều chỉnh trong năm 2023 là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến CPI tăng khá cao trong các tháng 1 và từ tháng 4 tới tháng 7.

Tính chung 9 tháng so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08%, làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Dự báo lạm phát năm 2024 được kiểm soát trong mức Quốc hội đề ra, tuy nhiên Tổng cục Thống kê vẫn lưu ý các yếu tố có thể làm CPI tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Trong đó, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên lạm phát.

Ở góc độ khách hàng sử dụng điện, ngay sau khi tăng giá điện, nhiều ngành sản xuất cho hay đã có kế hoạch tính toán lại chi phí. Điều này làm dấy lên mối lo giá sản phẩm, dịch vụ có thể tăng trong thời gian tới.

Với người mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt, việc tăng giá điện buộc người dùng phải có biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho biết: “EVN cần thông báo trước về thời điểm điều chỉnh giá điện thay vì tăng rồi mới thông báo”.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-dien-tang-tac-dong-the-nao-den-gia-ca-tieu-dung-post592474.antd