Gia đình 12 năm sống bên rìa thế giới
Suốt hơn một thập kỷ, gia đình Gifford luôn coi biển cả là nhà. Dưới ảnh hưởng từ Covid-19, cuộc sống ngoài khơi của họ vẫn bình thản như trước.
Zing trích dịch bài đăng của South China Morning Post, nói về cuộc sống ngoài khơi của gia đình Gifford suốt hơn một thập kỷ.
Tháng 9, gia đình Gifford đăng lên mạng bức ảnh kỷ niệm lần đầu đặt chân lên đất liền sau 6 tháng lênh đênh ngoài khơi. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các thành viên phải thực hiện giãn cách xã hội ở nơi họ coi là nhà suốt 12 năm qua - biển cả.
Năm 2008, Jamie và Behan Gifford cùng 3 người con xuất phát từ eo biển Puget (bang Washington, Mỹ) trên chiếc tàu Stevens 47 của gia đình.
Họ đã hoàn thành hải trình vòng quanh thế giới trước khi cậu con cả Niall trở về đất liền để theo học tại một trường đại học ở Portland (bang Oregon, Mỹ) vào năm 2018.
Cùng năm đó, 4 thành viên nhà Gifford còn lại tiếp tục khám phá vùng biển Mexico. Họ không may bị mắc kẹt tại đây vì đại dịch kể từ đầu năm nay. Dù vậy, gia đình này không cảm thấy cuộc sống cách ly xã hội có nhiều đổi khác so với trước đây.
"Nhiều người lầm tưởng rằng cuộc sống trên biển là một kỳ nghỉ dưỡng dài ngày với âm nhạc và rượu cocktail. Thực tế, một ngày của chúng tôi xoay quanh việc sửa chữa đồ đạc hỏng hóc, đi mua sắm nhu yếu phẩm dưới cái nắng 40 độ và giặt quần áo bằng tay trong một cái xô 20 lít. Chúng tôi đã quen rồi", Behan nói.
Sống khác biệt để gần gũi gia đình
Jamie và Behan Gifford gặp gỡ nhờ niềm đam mê tàu thuyền. Khi ấy, Jamie là nhà thiết kế thuyền đua cao cấp, còn Behan là thành viên đội đua thuyền của trường đại học. Được truyền cảm hứng từ bạn bè, đôi tình nhân trẻ ấp ủ khát vọng giong buồm chu du khắp thế giới.
20 năm sau, khi con cái đuề huề, ước mơ của 2 vợ chồng mới trở thành hiện thực. Lúc đó, Jamie sở hữu một công ty cung cấp vật tư y tế và Behan là nhân viên marketing. Dù có công việc ổn định, họ vẫn không hài lòng với cuộc sống hiện tại.
"Đây không phải điều chúng tôi mong đợi. Tôi và chồng muốn tạo nên thật nhiều kỷ niệm đẹp bên con cái", Behan viết trên blog cá nhân Sailing Totem.
Tháng 8/2008, nhà Gifford nói lời tạm biệt với người thân, bạn bè và giong buồm ra khơi từ eo biển Puget. Hơn một thập kỷ qua, họ đã cập bến tại 48 quốc gia và vùng lãnh thổ, khám phá văn hóa và gặp gỡ những con người đặc biệt.
Trong thời gian đó, họ nhiều lần phải tạm dừng chuyến đi. Năm 2011, vì cạn kiệt tài chính, Behan buộc phải xin việc ở một công ty quảng cáo tại Sydney (Australia). Ít lâu sau, cả gia đình chuyển tới Brisbane để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Khi tình hình dần ổn định, vợ chồng Gifford đã cùng con cái bàn bạc về hướng đi tiếp theo. Họ cân nhắc giữa việc trở về Mỹ bằng đường biển hoặc tiếp tục chu du trên biển.
"Lũ trẻ lập tức trả lời 'Có' mà không hề do dự. Thế là chúng tôi quyết định giong buồm ra khơi", Jamie nói.
Để kiểm sống, Jamie quay về làm chuyên viên tư vấn từ xa trong lĩnh vực tàu thuyền. Ngoài ra, anh cùng vợ nhận huấn luyện các tàu tuần dương, viết bài cho các tạp chí đua thuyền và làm diễn giả cho một số sự kiện trực tuyến.
"Mục đích của chúng tôi là đem đến cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống trên biển. Đây là cách sống khác để được gần gũi hơn với gia đình", Jamie khẳng định.
Suốt hơn 12 năm sống trên thuyền, vợ chồng Gifford nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề học tập, giao tiếp xã hội của lũ trẻ. Behan khẳng định: "Chúng tôi sống cách biệt nhưng không hề cô độc. Chúng tôi có những người bạn đồng cảnh ngộ luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Bọn trẻ có thể làm bạn với những đứa bé sống trên tàu thuyền khác".
"Về vấn đề học tập, tôi cho rằng con cái có quyền tự do lựa chọn cách học phù hợp với mình, từ chương trình học trực tuyến, tự học...", Behan viết trong cuốn Voyaging with Kids - A Guide to Family Life Afloat do cô đồng sáng tác.
Sau khi rời Australia, gia đình Gifford hướng tới châu Á - điểm đến trong mơ của Behan. "Tôi từng sống ở Indonesia, học trung học ở Đài Loan và đặt chân tới Hong Kong để tham gia một buổi giao lưu ca múa nhạc. Vì vậy, tôi rất yêu châu Á và muốn cả gia đình mình được trải nghiệm nơi đây".
Tuy nhiên, chuyến đi không hề dễ dàng như cô tưởng tượng. Họ gặp nhiều khó khăn về visa, thời tiết, thậm chí là bất ổn chính trị. Nhưng nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân bản xứ, cả gia đình đã vượt qua trở ngại để tiếp tục hành trình.
"Bất cứ nơi nào chúng tôi đến đều có sự hiện diện của những con người tử tế và cởi mở. Châu Á cũng không ngoại lệ", Behan bày tỏ.
Rời vùng biển châu Á, nhà Gifford tiếp tục đi tới Sri Lanka, Maldives, Comoros, Madagascar và Nam Phi.
Cách ly trên biển
Tháng 4/2018, họ vượt qua kênh đào Panama và chạm đến vùng biển Mexico. Đầu năm nay, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập tới khiến kế hoạch của gia đình bị trì hoãn.
"Gia đình tôi đang thả neo tại một làng chài La Cruz de Huanacaxtle (Mexico) để mua nhu yếu phẩm khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố", Behan kể lại.
"Nhiều quốc gia đang dần mở cửa trở lại biên giới với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Do đó, chúng tôi quyết định ở lại đây một thời gian, thực hiện cách ly xã hội", cô nói thêm.
Với kinh nghiệm hơn 12 năm sinh sống trên thuyền, cuộc sống của nhà Gifford không bị xáo trộn quá nhiều dưới ảnh hưởng từ đại dịch. Họ dành phần lớn thời gian trong ngày lênh đên trên biển, học tập, bơi lội và lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo khi dịch bệnh được khống chế.
"Tôi vẫn muốn quay lại châu Á. Điều này có lẽ chưa khả thi vào năm sau vì tình hình dịch Covid-19 chưa ổn định", Behan nhận định.
Dù hiếm khi gặp gỡ người thân và bạn bè trên đất liền, nhà Gifford chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của mình. "Sống bên rìa thế giới, gặp gỡ những người đặc biệt khiến cuộc sống hiện tại của chúng tôi trở nên đáng giá hơn bao giờ hết", Behan nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dinh-12-nam-song-ben-ria-the-gioi-post1160127.html