Gia đình 5 người thay đổi lối sống để tiết kiệm tiền
Từ việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng đến lựa chọn tham gia các hoạt động miễn phí vào cuối tuần, gia đình 5 người này đang thực hiện các bước để hạn chế chi tiêu và chống lạm phát.
1. Thay đổi phương tiện di chuyển
Hằng ngày, anh Paul Lee thường đi từ nhà ở Marine Parade đến công ty ở Yio Chu Kang (Singapore) bằng ô tô cá nhân, thảnh thơi bật đài phát thanh hoặc các bài nhạc nhẹ nhàng để thư giãn trên đường đi. Nhìn chung, cuộc sống thường ngày dù bận rộn nhưng được đánh giá là đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, trong ba tháng vừa qua, anh Paul Lee đã đổi việc đi ô tô cá nhân sang di chuyển bằng các chuyến đi xe buýt để tiết kiệm tiền xăng. Anh duy trì thói quen này hầu hết các ngày trong tuần. Trung bình 1 ngày Paul Lee sẽ mất chừng 2 tiếng di chuyển.
Lý do là bởi ngay từ khi nhận ra sự lạm phát trong chi tiêu của gia đình, anh Lee đã buộc phải quyết định thực hiện tất cả những gì có thể làm để hạn chế chi phí sinh hoạt, giúp tiết kiệm ngân sách.
"Vào khoảng tháng 2, vợ chồng chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự tăng lên rõ rệt trong các khoản chi phí dành cho việc sinh hoạt của gia đình. Những tin tức về việc dự báo lãi suất ngân hàng cũng như tình hình giá cả thị trường có thể tăng lên là lý do khiến tôi phải thay đổi thói quen ngay lập tức. Kết quả là, tôi bắt đầu xem xét các lựa chọn khác nhau về nơi để tiết kiệm tiền", Paul Lee nói.
Đối với gia đình Paul Lee, chi phí lớn nhất là xăng dầu, ăn uống và mua hàng tạp hóa.
Đơn cử, trước đây, 2 tuần 1 lần, Paul Lee sẽ đổ đầy xăng cho chiếc ô tô của mình. Mỗi lần đổ xăng, anh ấy sẽ phải trả chừng 125 đô la Singapore (hơn 2 triệu đồng). Nhưng bây giờ anh ấy trả gần 160 đô la Singapore (hơn 2,8 triệu đồng) cho cùng một lượng xăng.
Tại Singapore, giá của loại xăng 95 phổ biến nhất dao động trong khoảng từ 3 đô la Singapore (khoảng 58.000 đồng) đến 3,42 đô la Singapore (chừng 60.000 đồng) một lít. Trong khi trước đó, giá xăng chỉ loanh quanh trong khoảng 2,80 đô la Singapore (khoảng 49.000 đồng).
Bằng cách chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào các ngày trong tuần và giảm thiểu việc sử dụng ô tô vào cuối tuần, Paul Lee đã tiết kiệm được khoảng 150 đô la Singapore (hơn 2,6 triệu đồng) mỗi tháng. Anh cũng tiết kiệm được 14 đô la Singapore (khoảng 250.000 đồng) tiền gửi xe hàng ngày.
2. Lựa chọn hợp lý hơn cho ăn uống
Lạm phát cơ bản của Singapore trong tháng 5 đạt mức 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong hơn 13 năm. Lý do bởi giá thực phẩm và tiện ích tăng cao.
Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết vào ngày 14 tháng 7, lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí ăn ở và đi lại cá nhân) dự kiến sẽ ở mức 3% đến 4% trong năm nay.
Paul Lee cảm thấy khó khăn khi hóa đơn thẻ tín dụng ngày càng tăng, chủ yếu là do đi ăn ngoài.
Trong khi việc ăn uống tại các nhà hàng trở nên đắt đỏ hơn, thì đó là một thứ xa xỉ mà gia đình anh ngần ngại cắt bỏ. Thay vào đó, anh Lee tìm kiếm những lựa chọn hợp lý hơn.
Trước đây, một bữa ăn bên ngoài có thể tiêu tốn của họ 120 đô la Singapore (chừng 2,1 triệu đồng).
“Bây giờ chúng tôi chọn những nhà hàng mà tổng số tiền sẽ lên đến khoảng 50 đô la Singapore, 60 đô la Singapore,” anh nói.
Hóa đơn mua hàng tạp hóa cũng tăng từ 500 đô la Singapore (gần 8,8 triệu đồng) lên khoảng 650 đô la Singapore (gần 11,5 triệu đồng) một tháng. Vì lẽ đó, cả 2 vợ chồng bắt đầu so sánh giá cả ở siêu thị một cách cẩn thận hơn, chọn những “thương hiệu nội địa” có xu hướng rẻ hơn.
3. Thay đổi thói quen vui chơi
Thời gian gắn kết gia đình cũng đã thay đổi - ít hoạt động cần trả phí hơn và thay vào đó là các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên.
Giờ đây, họ ra ngoài trời để đi dạo, đạp xe hoặc đến các thư viện công cộng. Họ cũng đến những nơi như bảo tàng - nơi người dân địa phương được vào cửa miễn phí. Anh ấy nói thêm rằng, việc vui chơi ở ngoài trời khiến gia đình anh ấy có cảm giác thoải mái và thư giãn hơn.
"Chúng tôi nhận ra rằng nhiều hoạt động dành cho trẻ em có thể khá tốn kém. Tôi có ba đứa con, vì thế, số tiền sẽ càng tốn kém", anh nói.
Không chỉ thế, trong trường hợp cần mua đồ ăn và các loại thực phẩm, vợ chồng Paul Lee cũng rủ thêm bạn bè và hàng xóm để mua với mức giá rẻ hơn.
4. Tái cấp vốn cho khoản vay mua nhà
Một trong những việc lớn hơn mà Paul Lee đã làm là tái cấp vốn cho khoản vay mua nhà của mình.
Trong khi do dự khi có cơ hội, trì hoãn quyết định của mình trong một tháng, cuối cùng anh ấy đã xoay sở để tái cấp vốn cho khoản vay mua nhà của mình với lãi suất thấp hơn.
Paul Lee cho biết trên cơ sở hàng năm, anh sẽ tiết kiệm được khoảng 2000 đô la Singapore (hơn 35 triệu đồng).
Với những thay đổi trong lối sống và hành vi của gia đình, Paul Lee đã cố gắng tiếp tục dành ra gần 20% tiền lương mang về để tiết kiệm và đầu tư.
Nếu anh ấy không thực hiện các bước như anh ấy đã làm, anh ấy dự đoán rằng chi tiêu hàng tháng của cả gia đình sẽ tăng từ 600 đến 800 đô la Singapore (từ 10,5 đến 14 triệu đồng).
"Các khoản chi tiêu vẫn nằm trong phạm vi tương tự như năm ngoái trước khi lạm phát chi phí. Cho đến nay, tôi hài lòng với số tiền tiết kiệm được," anh nói.
Nguồn: Theo: Channelnewsasia