Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình'.

Your browser does not support the audio element.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm hướng tới việc củng cố vị trí, vai trò, chức năng của gia đình, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/ QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng của Nhân dân các dân tộc, tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 436-CTr/TU, ngày 30/6/ 2005 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 29/3/ 2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác gia đình trên địa bàn tỉnh và các đề án, kế hoạch thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các hoạt động kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6) của cả nước, những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động được các cấp, ngành, địa phương tổ chức ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng hình thức, thu hút đông đảo người dân tham gia, tiêu biểu như: Hội thi Văn hóa - Thể thao gia đình tỉnh; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc thời kỳ CNH-HĐH đất nước với chủ đề "Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”, "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và cách ứng xử trong gia đình”, "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, công nhân, người lao động tại khu công nghiệp; tổ chức phát động "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; phối hợp tổ chức hội thi "Gia đình hạnh phúc” tỉnh gắn với chủ đề "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; tham gia hội thi câu lạc bộ gia đình hạnh phúc toàn quốc do Bộ VH-TT&DL tổ chức đạt giải Cống hiến. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành, đoàn thể và quần chúng Nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 83,6%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay sẽ có những tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó ảnh hưởng đến từng gia đình, tạo nên những biến đổi sâu sắc đối với gia đình trên nhiều phương diện. Để tạo chuyển biến trong nhận thức, từng bước đưa "Ngày gia đình Việt Nam" vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và từng gia đình, từng cá nhân hãy có những hành động thiết thực để tôn vinh, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, trong đó:

- Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2030.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về gia đình; tích cực triển khai chương trình phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương về công tác gia đình; xác định mục tiêu ưu tiên theo từng năm phù hợp với lộ trình phát triển; kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình.

- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong sự phát triển chung của xã hội. Chú trọng biểu dương những tấm gương tốt và phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và với giá trị gia đình.

- Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, chú trọng xây dựng gia đình văn hóa với các mô hình gia đình tiêu biểu như: "Gia đình mẫu mực”, "Gia đình văn hóa tiêu biểu”, "Gia đình ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, "Gia đình làm kinh tế giỏi”, "Gia đình hiếu học” phù hợp, hiệu quả.

Kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam” (28/6/2001 - 28/6/2021) với chủ đề "Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc” rất cần có sự vào cuộc, chung sức của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và mỗi người dân, để ngày Gia đình Việt Nam hàng năm đi vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình các dân tộc Hòa Bình nói riêng và các gia đình Việt Nam nói chung. Góp phần tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.

Lưu Huy Linh

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/153968/gia-dinh-binh-an-xa-hoi-hanh-phuc.htm