Gia đình 'cậu bé băng giá' vẫn vật lộn kiếm sống

Sự nổi tiếng khiến cậu bé băng giá ở Trung Quốc trải qua hơn một năm biến động nhưng gia đình vẫn vật lộn kiếm sống. Vì thế, cha em cảm thấy bất công khi không được xét hộ nghèo.

Đầu tháng 12, ông Vương, cha của "cậu bé băng giá" Vương Phú Mãn nói với truyền thông việc gia đình không được xét hộ nghèo vì có hai chiếc xe máy.

Điều này khiến nhiều người bất ngờ nhưng họ đồng tình với cách xử lý của chính quyền định phương. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với South China Morning Post, ông Vương cho rằng quyết định này không hợp lý.

Bố "cậu bé băng giá" Vương Phú Mãn cho biết gia đình họ vẫn vật lộn kiếm sống khi sinh hoạt của 5 người phụ thuộc vào 3.000 nhân dân tệ tiền lương hàng tháng. Ảnh: South China Morning Post.

Bố "cậu bé băng giá" Vương Phú Mãn cho biết gia đình họ vẫn vật lộn kiếm sống khi sinh hoạt của 5 người phụ thuộc vào 3.000 nhân dân tệ tiền lương hàng tháng. Ảnh: South China Morning Post.

Người đàn ông 30 tuổi cho biết sau gần hai năm đầy biến động của con trai, gia đình vẫn phải vật lộn kiếm sống. 5 năm qua, đơn xin xét hộ nghèo của ông bị từ chối mà không có lời giải thích thỏa đáng.

"Đơn của tôi không được xét, thật bất công, vô lý. Một số báo đưa tin chúng tôi có nhiều tài sản. Điều đó không đúng. Tôi cũng không cố lợi dụng sự nổi tiếng của con trai", ông Vương bức xúc.

Việc làm đơn xét hộ nghèo của gia đình "cậu bé băng giá" thuộc chương trình thử nghiệm xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc, trong đó, chính quyền trợ cấp, đào tạo nghề hoặc hỗ trợ việc làm cho thành viên các hộ khó khăn.

Theo ông Geng Tao, Bí thư Đảng ủy xã Zhuanshanbao, gia đình ông Vương không đủ điều kiện tham gia chương trình vì họ đã có căn nhà hai tầng rộng 160 m2.

Việc ông Vương lên báo chí phàn nàn vì không được xét hộ nghèo còn khiến nhiều người bất bình. Họ cho rằng ông lợi dụng sự nổi tiếng của con trai để tiếp cận viện trợ từ chính phủ. Một số người chỉ trích ông quá tham lam, vẫn muốn vào diện hộ nghèo dù có điều kiện sống tốt hơn người dân trong vùng nhờ tiền quyên góp đợt Phú Mãn nổi tiếng trên mạng xã hội.

Trước phản ứng của dư luận, ông Vương thừa nhận sự chú ý của truyền thông cùng các khoản từ thiện giúp gia đình khá hơn nhưng họ chỉ nhận một phần nhỏ.

"Rất nhiều người quyên góp nhưng hầu hết được chuyển về trường, chia ra cho các học sinh và gia đình khác. Chúng tôi chỉ nhận số tiền nhỏ", ông giải thích.

Trên thực tế, sau khi bức ảnh và câu chuyện của Phú Mãn lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, hàng loạt nhà hảo tâm đã quyên góp. Tổ chức từ thiện địa phương nhận hơn 300.000 nhân dân tệ.

Họ cho biết số tiền này được chia cho học sinh trường Tiểu học Zhuanshanbao. Phú Mãn chỉ nhận 500 nhân dân tệ.

Đương nhiên, cuộc sống gia đình em được cải thiện đáng kể. Cha em làm công nhân xây dựng ở Chiêu Thông với mức lương 3.000 nhân dân tệ/tháng. Ông có mức lương tương đối cao so với mặt bằng chung nhưng lại phải nuôi 5 người (mẹ ông, hai vợ chồng cùng anh em Phú Mãn).

Gia đình họ không thuộc diện hộ nghèo đồng nghĩa mẹ và vợ ông không thể xin được việc làm vốn được chỉ định là "phúc lợi công" như nhân viên vệ sinh đường phố, lương 500 nhân dân tệ/tháng.

Ông Vương cũng bác bỏ thông tin ông có hai chiếc xe như báo chí đưa, mà chỉ có một chiếc xe tải cũ trị giá không quá 3.000 nhân dân tệ. Gia đình ông không nuôi gia súc như báo viết.

Ngoài ra, ông còn phải trả dần khoản nợ hàng chục nghìn nhân dân tệ vay để xây nhà mới.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/gia-dinh-cau-be-bang-gia-van-vat-lon-kiem-song-post1025073.html