Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm 2024 có chủ đề 'Hạnh phúc cho mọi người' với các khẩu hiệu tuyên truyền như: 'Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh!'; 'Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc'; 'Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ...'.
Tất cả những khẩu hiệu ấy đều truyền đi thông điệp gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình hạnh phúc là nền tảng của một xã hội hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng.
Những năm gần đây, thứ hạng của Việt Nam tăng dần trên bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc do Mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững (Liên hợp quốc) thực hiện tại hơn 150 quốc gia trên thế giới. Nếu như năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83 thì năm 2022 vươn lên vị trí 77 và năm 2023 vọt lên vị trí 58 (tăng 12 bậc).
Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên các tiêu chí gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng.
Đặc biệt, Việt Nam được xếp hạng cao về bình đẳng khi mà khoảng cách giữa một nửa dân số cảm thấy hạnh phúc hơn và nửa dân số ít hạnh phúc hơn rất nhỏ. Ở tiêu chí này, Việt Nam là nước châu Á duy nhất lọt vào top 20 thế giới.
Để xây dựng một quốc gia hạnh phúc, nước ta luôn nhất quán quan điểm lấy gia đình làm hạt nhân. Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Đó chính là kim chỉ nam để các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung cụ thể hóa bằng những cuộc vận động, phong trào, chương trình, thúc đẩy sự hình thành hệ giá trị văn hóa bền vững trong từng “tế bào” của xã hội.
Tại Gia Lai, theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, năm 2023, toàn tỉnh có 90,16% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; 81,9% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Có 44 vụ bạo lực gia đình, nhưng không có vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng, giảm 79 vụ so với năm 2022.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hơn 100 tổ truyền thông, câu lạc bộ về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số; 87 tổ truyền thông cộng đồng, thành lập mới 18 địa chỉ tin cậy… Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã biểu dương 114 gia đình hội viên phụ nữ tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
Qua đó cho thấy, công tác gia đình được tỉnh rất quan tâm; công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống và phòng-chống bạo lực gia đình được chú trọng đúng mức, góp phần hình thành giá trị văn hóa, gia tăng sức mạnh đoàn kết, phát huy vai trò hạt nhân của mỗi gia đình.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ buông lỏng giáo dục con cái, thiếu sự quan tâm đối với gia đình. Điều đó dẫn đến xu hướng bạo lực, tỷ lệ phạm tội, lâm vào các tệ nạn xã hội trong độ tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn giũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật cả chính bên trong gia đình và ngoài xã hội.
Vì thế, bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách, sự đồng hành của các cấp, các ngành, hội, đoàn thể thì mỗi gia đình cần nhận thức rõ tầm quan trọng của mình trong việc hình thành các giá trị văn hóa gia đình cốt lõi, có trách nhiệm trong giáo dục, hình thành hệ nhân cách cho con cái, tạo sự gắn kết giữa các thành viên, từ đó xây dựng nên những gia đình hạnh phúc. Đó chính là nền tảng cho một quốc gia hạnh phúc, thịnh vượng.