Gia đình hạnh phúc - nền tảng của quốc gia thịnh vượng
Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Để 'giữ lửa' tổ ấm, cần sự đồng lòng, chia sẻ từ các thành viên trong gia đình.
Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”, Ngày gia đình Việt Nam năm 2024 nhấn mạnh đến trách nhiệm chăm lo, xây dựng hạnh phúc gia đình. Việc gắn kết các thành viên, nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi người mà còn nuôi dưỡng nên những cá nhân hạnh phúc, phát triển toàn diện - những hạt giống tạo nên xã hội hạnh phúc.
Gắn kết gia đình hiện đại
Trong bao lo toan, vất vả vì cuộc sống mưu sinh, với anh Nguyễn Đỗ Long ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, gia đình luôn là điểm tựa, là nguồn động lực to lớn. Vì vậy, việc duy trì hạnh phúc gia đình không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn của tất cả thành viên. Anh Long chia sẻ: “Đối với bất kỳ ai thì gia đình rất quan trọng. Từ khi vào Bình Phước lập nghiệp rồi lấy vợ, với tôi, gia đình là chốn bình yên nhất. Chúng tôi cùng chung sống, bảo ban nhau làm kinh tế, nuôi dạy các con. Mỗi người một việc cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình”.
Truyền thống Ngày gia đình Việt Nam 28-6 góp phần lưu truyền giá trị tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt - Ảnh: Trương Hiện
Vun đắp hạnh phúc gia đình từ tình yêu thương và sự quan tâm, chia sẻ là quan điểm của chị Nguyễn Thị Thành ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài. Với chị Thành, gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển. Để gia đình hạnh phúc thì các thành viên phải yêu thương, chia sẻ với nhau, đó chính là sợi dây gắn kết giúp tổ ấm bền vững. Chị Thành bày tỏ: “Gia đình rất quan trọng, vì đây là nơi trở về sau ngày làm việc, học tập vất vả. Khi các thành viên cùng ngồi lại sum họp bên nhau thì rất ấm cúng. Điều đó thể hiện được tình cảm gia đình và chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Chăm lo, vun đắp, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn hướng tới. Mỗi người có cách xây dựng gia đình hạnh phúc riêng, nhưng nhìn chung gồm các yếu tố như: tôn trọng, trách nhiệm, chia sẻ, yêu thương… Khi mỗi cá nhân nỗ lực gắn kết, xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. “Gia đình có yên ổn thì làng xóm yên ổn và xã hội phát triển; gia đình phải trong ấm thì ngoài mới êm. Vì vậy, các thành viên phải gắn kết, vun đắp, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, như thế chúng ta mới có tư tưởng ổn định để an tâm học tập, làm việc” - bà Tô Thị Thêu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh chia sẻ.
Gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng là một trong những hộ có 3 thế hệ sống chung gương mẫu tại địa phương. Chị Hà cho biết, việc duy trì gia đình 3 thế hệ chung sống hòa thuận, hạnh phúc cũng không đơn giản. Nhận thức rõ vai trò vừa là người con, người vợ và người mẹ, chị luôn tìm cách cân bằng, gắn kết các mối quan hệ để giúp các thành viên gia đình luôn vui vẻ, yêu thương nhau. Chị Hà bộc bạch: “Các thành viên gia đình cùng vun vén cho tổ ấm, cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, công việc. Những ngày đi làm vất vả, bôn ba ngoài xã hội thì gia đình là nơi bình yên nhất để trở về. Và việc xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ góp phần làm cho xã hội hạnh phúc”.
Xây dựng tổ ấm hạnh phúc từ sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết giữa các thành viên gia đình - Ảnh: Trương Hiện
Bằng những việc làm thiết thực, các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã phối hợp với chính quyền các cấp nhân rộng mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc đi vào chiều sâu đã tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, giúp mỗi cá nhân nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển địa phương.
Theo ông Trần Việt Quân, Viện đào tạo Bách khoa, gia đình là một tập thể thu nhỏ để cấu trúc ra một xã hội, mà xã hội muốn phát triển thì gia đình phải bình ổn. Và một gia đình bình ổn, hạnh phúc phải đến từ sự giáo dục, từ tình yêu thương và nêu gương để các thành viên cùng nhau vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc. “Gia đình hòa thuận, hạnh phúc thì xã hội phồn vinh và phát triển bền vững. Việc xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ đem lại cuộc sống bình yên, ấm no cho mỗi cá nhân mà còn đem đến hạnh phúc cho xã hội” - ông Quân nhấn mạnh.
Ngày gia đình Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt. Với thông điệp “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”, Ngày gia đình Việt Nam năm 2024 nhằm nhấn mạnh việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chị Lường Thị Xuyến, Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho rằng: “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” đã nói lên gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Bởi vì gia đình là nơi sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục các thành viên và cũng là nơi lưu giữ, truyền lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam cũng đã nói lên mong muốn đất nước thịnh vượng, giàu mạnh, văn minh, điều đó phải xuất phát từ việc xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.
Tôi nghĩ người Việt Nam ai cũng coi trọng mối quan hệ trong gia đình và câu nói: Có một nơi để về đó là nhà, có một gia đình đó là hạnh phúc. Mỗi thành viên trong gia đình hạnh phúc sẽ giúp xã hội ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và khi xã hội phồn vinh thì chỉ số hạnh phúc của từng gia đình sẽ được nâng cao.
BÀ NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
Qua bao thế hệ trao truyền, nối tiếp nhau, gia đình Việt Nam giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Khi mỗi gia đình hòa thuận, các thành viên chăm chỉ học tập, làm ăn, quan tâm chăm sóc nhau, giáo dục tốt con cháu thì cộng đồng sẽ ổn định, an ninh trật tự được bảo đảm, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, quốc gia thịnh vượng. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, bởi nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình hạnh phúc sẽ giúp mỗi người cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước.