Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng

Ngày Gia đình Việt Nam chính là dịp để tạo sự lan tỏa, tôn vinh những giá trị tốt đẹp, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa của gia đình Việt.

Trao đổi với Báo Phú Yên về ý nghĩa, nguồn gốc của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết:

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Thực hiện lời Bác dạy, ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 55 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chỉ thị coi việc xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng.

Chỉ thị này cũng yêu cầu đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.

Theo đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 72 lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng tất cả gia đình, thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là ngày mà cả nước tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình, nhắc nhở những giá trị truyền thống quý báu của cha ông ta từ ngàn xưa, yêu quê hương, đất nước, con người, đùm bọc, chở che cho nhau.

Chương trình văn nghệ chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024. Ảnh: PHẠM THÙY

Chương trình văn nghệ chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024. Ảnh: PHẠM THÙY

Ngày Gia đình Việt Nam còn là ngày để người Việt Nam hướng về nguồn cội, hướng về gia đình, đề cao những tình cảm cao đẹp. Dù đi đâu, làm gì thì gia đình vẫn là nơi để ta nhớ về, yêu thương và trở về.

* Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 2024 là “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Thông điệp này muốn hướng đến điều gì, thưa bà?

- Trải qua 23 năm hưởng ứng, triển khai, Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn, thường niên nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.

Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 là “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự phát triển của đất nước, xã hội.

Gia đình được xem là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Gia đình còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại, phát triển đều phải biết chăm sóc, bảo vệ từng mái ấm gia đình. Nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình hạnh phúc sẽ giúp mỗi người cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước.

Thực tế cho thấy, những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững.

* Theo bà, để xây dựng một gia đình hạnh phúc cần có những tiêu chí gì?

- Gia đình là cơ sở quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của một quốc gia, gia đình hạnh phúc là nhân tố cơ bản quyết định sự tồn tại của một gia đình. Do đó, xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những quan điểm được đề cập thường xuyên trong các văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam.

Ngày 28/1/2022, Bộ trưởng VHTT&DL đã ký Quyết định 224 ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Bộ tiêu chí này gồm 5 nội dung chính.

Đó là tiêu chí ứng xử chung trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ. Mỗi người có thể thực hiện tốt 5 tiêu chí này thì sẽ mang đến cho xã hội những gia đình hạnh phúc.

* Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, ngành Văn hóa và các đơn vị trực thuộc đã có những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng Hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm nay, thưa bà?

- Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2024, Sở VHTT&DL - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình như: hội thi, hội diễn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền cổ động trực quan trên các tuyến đường chính, khu vực trung tâm, khu vực đông dân cư.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là ngày mà cả nước tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình, nhắc nhở những giá trị truyền thống quý báu của cha ông ta từ ngàn xưa, yêu quê hương, đất nước, con người, đùm bọc, chở che cho nhau.

Đồng thời tăng thời lượng, chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông của địa phương (đài phát thanh - truyền hình, các cơ quan báo chí địa phương; trang thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh); lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng… Các hoạt động diễn ra từ ngày 1-30/6.

Bên cạnh đó, sở còn tổ chức các hoạt động như: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gắn với tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tỉnh năm 2024; chương trình văn nghệ tuyên truyền chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam; hội thi Gia đình đọc sách tỉnh năm 2024; chương trình phát sóng trên kênh truyền hình PTP với chủ đề Gia đình và Cuộc sống…

* Xin cảm ơn bà!

THÙY THẢO (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/317917/gia-dinh-hanh-phuc-quoc-gia-thinh-vuong.html