Lần đọc đầu tiên: Luât tư pháp người chưa thành niên - Nghiêm khắc và nhân văn

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, các văn kiện này đều khuyến nghị đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên. Tuy vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hệ thống pháp luật hiện hành chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia để giải quyết hiệu quả các vấn đề về tư pháp người chưa thành niên. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có tới 70,3% là người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ thực tế trên, Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được xây dựng.

Hiện nay các vấn đề pháp lý về người chưa thành niên, đặc biệt là về tư pháp hình sự được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau, mà chưa có một đạo luật chuyên biệt cho nên các cơ quan thực thi pháp luật còn gặp khó khăn khi áp dụng quy phạm pháp luật đối với người chưa thành niên. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm quyền cho người dưới 18 tuổi phạm tội nói chung, người chấp hành án phạt tù nói riêng.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định, không được giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên; người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng. Trại giam này được đầu tư các thiết bị giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa… để bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên.

Điều 135 của dự thảo Luật quy định rõ, trong vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập. Nhiều ý kiến lo ngại, quy định này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án.

Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Khánh An

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lan-doc-dau-tien-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-nghiem-khac-va-nhan-van-227358.htm