Gia đình hay gia quyến

Hiện nay, có rất nhiều người dùng chữ gia đình và gia quyến đồng nhất với nhau. Thực tế, hai từ này có cách dùng khác nhau.

Gia đình là một từ Hán Việt. Gia (家) nghĩa là nhà, nhà ở; được sử dụng rất nhiều trong tiếng Việt như: gia cảnh (tình cảnh trong nhà), gia chủ (chủ nhà), gia cụ (đồ dùng trong nhà), gia súc (súc vật nuôi trong nhà, trong chuồng), tư gia (nhà riêng), gia nhân (người cùng một nhà, về sau có thêm nghĩa nữa là đầy tớ). Còn đình (亭) là cái nhà nhỏ; cái đình, nhà trạm để nghỉ chân; vừa đúng, cân bằng, cân đối, đều đặn.

Theo từ điển Tiếng Việt, năm 2011 do Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Đà Nẵng, gia đình là tập hợp người cùng sống chung thành đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái. Ví dụ: Xây dựng gia đình. Một gia đình hạnh phúc, Hoàn cảnh gia đình,... Trong bài viết Phong trào cách mạng ở Đông Dương, để nói về sự độc ác của thực dân Pháp, Bác viết: “Nếu có một chiến sĩ nào trốn thoát thì bà con trong gia đình bị chúng truy nã và bắt giam”. Cũng dùng từ gia đình, trong Thư gửi ban thường trực của ban tổ chức, Bác nêu: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào”. “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, năm 2021). Các nhà văn cũng dùng từ gia đình theo nghĩa nêu trên. “Nó nhắc cho y nhớ đến những phút sung sướng đã qua, đến vợ con, đến gia đình” (Nam Cao). “Cả gia đình tôi tới tìm mộ anh và làm ngay bia ghi tên anh cắm trước mộ anh...” (Trần Đình Vân). Trên báo chí cũng dùng nhiều từ này. “Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình”; “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên” (Báo Nhân Dân); “Sẽ tôn vinh các gia đình trẻ hòa thuận, hạnh phúc” (Thanh Niên),…

Đối với từ gia quyến (家 眷) cũng là từ Hán Việt, gia theo nghĩa trên, còn quyến chỉ chung những người thân thuộc trong gia đình. Ví dụ: Xin chia buồn cùng gia quyến. “Càng khốn khổ hơn cho người bản xứ nào xuất ngoại để thoát khỏi cái chế độ dịu hiền ấy: gia quyến anh ta bị hành hạ; bản thân anh ta, nếu bị bắt, thì bị tù khổ sai hoặc bị đẩy lên máy chém”. “Nhân dịp kỷ niệm một năm kháng chiến toàn quốc, tôi thay mặt Chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước anh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì nước, và gửi lời thân ái hỏi thăm các chiến sĩ và đồng bào bị thương cùng gia quyến các tướng sĩ” (Hồ Chí Minh). “Điện chia buồn với Đảng Cộng sản Pháp và gia quyến bà Raymonde Dien” (Tạp chí Tuyên giáo); “VFF gửi lời chia buồn đến gia quyến cố Chủ tịch Lê Hùng Dũng” (Báo Lao động),…

Từ ý nghĩa trên, chúng ta nhận thấy, nếu như gia đình chỉ nhóm người có quan hệ máu mủ, ruột thịt chung sống với nhau như một đơn vị có tổ chức của xã hội, thì gia quyến chỉ toàn thể, nói chung những người có quan hệ thân thiết, ruột thịt, mà những người này không nhất thiết sống chung với nhau. Chính vì vậy mà trong những trường hợp sau đây không thể thay thế từ gia quyến cho gia đình được. Cụ thể, chúng ta nói hoặc viết: “xa gia đình”, chứ không dùng “xa gia quyến”, “hạnh phúc gia đình”, chứ không “hạnh phúc gia quyến”, “mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội” chứ không dùng “mối quan hệ giữa gia quyến, nhà trường và xã hội”,…

Ngược lại với những trường hợp nêu trên, trong tiếng Việt ngày nay, những lời chúc tụng hoặc chia buồn có tính chất trang trọng chúng ta chỉ dùng từ gia quyến, không dùng từ gia đình. Cụ thể như: trong Thư chúc mừng năm mới (năm 1946) Bác đã dùng từ gia quyến để chúc mừng các chiến sĩ ngoài mặt trận: “Tôi riêng chúc các gia quyến của các chiến sĩ thân yêu, năm mới vui vẻ”.

Hay “Tôi nhờ các ngài lập tức chuẩn bị sẵn sàng, nếu địch đi qua đó, để giữ gìn cho gia quyến và toàn thể anh em sinh viên được an toàn” - Thư của Bác gửi các ông Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di (năm 1947). “Đoàn đại biểu Neo Lào Hắc Xạt gửi đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Nguyễn Chí Thanh lời chia buồn sâu sắc”,…

Xét về phạm vi, từ gia đình được dùng với nghĩa rộng hơn gia quyến, chỉ một tổ chức, một tập đoàn người có quan hệ thân thiết, gắn bó với nhau vì những lợi ích chung nào đó như: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa” (Hồ Chí Minh). Hoặc: “Muốn thật sự biến chi bộ thành gia đình cộng sản thì phải củng cố tốt tổ đảng” (Lê Đức Thọ).

Ngoài ra, trong khẩu ngữ chúng ta thường nói: “lập gia đình”, “xây dựng gia đình” là nói việc lấy vợ, lấy chồng; “không khí gia đình” là không khí thân mật, đầm ấm giữa những người thân; “lối làm việc gia đình chủ nghĩa” ý muốn nói lối làm việc xuê xoa, lấy tình cảm làm nguyên tắc giải quyết công việc. Những trường hợp vừa nêu, chỉ dùng từ “gia đình” không dùng “gia quyến”.

TRỌNG NHÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/gia-dinh-hay-gia-quyen-73744.html