Gia đình - môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng

Cha mẹ dạy những điều hay lẽ phải sẽ giúp hình thành tính cách tốt cho trẻ. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong tâm thức của người Việt, gia đình là cái nôi sinh thành, để lại dấu ấn dưỡng dục không thể phai mờ trong suốt cuộc đời. Vì vậy, việc giáo dục con trẻ không chỉ là xây dựng, hình thành nhân cách của mỗi người với những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp mà còn tạo nên những tế bào lành mạnh cho xã hội.

Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình bị mờ nhạt, mất dần đi, dễ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Đứng trước nguy cơ này, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình có vai trò hết sức quan trọng.

Dạy con từ thuở còn thơ…

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Thanh Lim ở thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa. Chị Lim kể, vào những ngày nghỉ, lễ tết, gia đình chị luôn tổ chức những bữa cơm sum họp để các thành viên trong gia đình cùng quây quần, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau những ngày làm việc, học hành mệt mỏi. Những buổi sinh hoạt chính là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, là khoảng thời gian mọi người cảm thấy vui vẻ, ấm cúng. Bởi vậy, ngôi nhà của chị Lim luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Chị Lim chia sẻ: “Là bậc cha mẹ nên vợ chồng tôi luôn cố gắng làm gương cho các con, cư xử đúng mực, công bằng; răn dạy con cái phải hiếu thảo, hòa thuận từ chính những việc làm hằng ngày trong sinh hoạt gia đình, tôn trọng, quan tâm chăm sóc ông bà nội ngoại, ứng xử với bà con lối xóm. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi luôn gần gũi, lắng nghe chia sẻ của con cái với tinh thần của một người bạn. Đồng thời dành nhiều thời gian gần gũi với các con, dạy dỗ các con những điều hay lẽ phải...”.

Ông cha ta từ xa xưa đã đúc rút được một số kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái, trong đó có câu: “dạy con từ thuở còn thơ”. Các nhà giáo dục cũng đã chỉ ra rằng: Một đứa trẻ được dạy tự biết làm việc nhà, đỡ đần cha mẹ khi lớn lên sẽ biết yêu thương và tôn trọng. Một đứa trẻ được dạy khi ăn phải vét sạch đến hạt cơm cuối cùng thì lớn lên sẽ thành người biết quý trọng sức lao động, không phung phí xa hoa. Một đứa trẻ được ông bà cha mẹ dạy quét nhà phải quét từng ngóc ngách, quét đường nhà mình thì phải biết quét cả lối đi chung cho hàng xóm thì lớn lên thành người có tính cẩn thận, không làm trớt trát và có trách nhiệm với cộng đồng. Một đứa trẻ được dạy biết yêu thương con vật, không hành hạ bất cứ con gì để làm trò vui thì lớn lên sẽ có lòng nhân ái, tình thương yêu, không làm điều ác... Đó chính là lý do cần phải giáo dục con trẻ từ thuở còn nằm nôi.

Chị Đoàn Phương Thảo ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), cho rằng: “Cha mẹ có thể dạy con cái từ những việc nhỏ nhất chứ không cần phải cầu kỳ, to tát. Riêng gia đình tôi có một quy định bất di bất dịch, đó là các thành viên trong gia đình thay phiên nhau rửa chén mỗi ngày sau khi ăn cơm xong để rèn luyện tính siêng năng và có trách nhiệm với bản thân hơn”.

Ông bà, cha mẹ cũng phải tự giáo dục

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho nhiều gia đình không còn thời gian để quan tâm đến vấn đề giáo dục con cái, chuộng lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống. Các sản phẩm văn hóa luôn rình rập và đe dọa cuộc sống bình thường của nhiều gia đình... Trước thực trạng này, việc giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình là vô cùng quan trọng.

Một đặc điểm rất quan trọng của môi trường giáo dục gia đình là con trẻ luôn có thói quen bắt chước lời nói, hành vi, cách ứng xử của người lớn (trước hết là cha mẹ). Dân gian có câu: “giỏ nhà ai, quai nhà nấy” hoặc “rau nào sâu nấy”, cho thấy lớp công dân tương lai là hình ảnh phản chiếu từ đạo đức lối sống của thế hệ trước. Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em (20/12/2015), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu sâu sắc về nêu gương, làm gương của người lớn trong giáo dục gia đình: “Người lớn không tử tế, sao mong con cháu hiếu thảo, trung thực? Làm sao đòi hỏi con, cháu vượt khó để học giỏi trong khi bản thân mình lại không chăm chỉ, nỗ lực? Làm sao mong muốn con cháu thành người trung thực, hiếu thảo, nhân ái khi những lời nói, việc làm của chính mình lại không được như vậy?”.

ThS, chuyên viên cao cấp Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), nhìn nhận: “Chính ông bà, cha mẹ cũng phải tự giáo dục, phải biết vượt qua chính mình để trong mắt trẻ luôn cảm thấy ông bà, cha mẹ là người tử tế, đáng kính. Trong nếp nhà như vậy, những đứa trẻ của hàng chục năm về trước này sẽ là những người con tử tế trong gia đình, người công dân tử tế trong xã hội, người cán bộ, công chức, viên chức tử tế nơi làm việc, người chiến sĩ trung thành… Đó chính là con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Để phát huy vai trò giáo dục của gia đình, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025 đạt 70% và năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đến năm 2025 đạt 80% và năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...

Chính ông bà, cha mẹ cũng phải tự giáo dục, phải biết vượt qua chính mình để trong mắt trẻ luôn cảm thấy ông bà, cha mẹ là người tử tế, đáng kính. Trong nếp nhà như vậy, những đứa trẻ của hàng chục năm về trước này sẽ là những người con tử tế trong gia đình, người công dân tử tế trong xã hội, người cán bộ, công chức, viên chức tử tế nơi làm việc, người chiến sĩ trung thành…

ThS, chuyên viên cao cấp Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng

Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL)

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/277668/gia-dinh-moi-truong-giao-duc-dau-tien-va-quan-trong.html