Gia đình - nơi hình thành nhân cách mỗi người

Ngày gia đình để thêm ý nghĩa, chúng ta không chỉ chúc tụng mà còn phải nhìn lại cách mình sống và làm việc, ứng xử hằng ngày với nhau và với con.

“Nếp nhà” là từ rất hay để nói về câu chuyện hình thành nhân cách của trẻ từ chiếc nôi gia đình.

“Nếp nhà” là từ rất hay để nói về câu chuyện hình thành nhân cách của trẻ từ chiếc nôi gia đình.

Tôi nhớ đại ý của một lời khuyên dạy con mà mình từng đọc trên tờ lịch treo tường lâu rồi, rằng: thương con mà không dạy con lễ nghĩa, có của nhiều chúng sẽ càng hoang phí, học càng hay chúng sẽ càng gian trá.

Lễ nghĩa, trong nhà trường cũng đề cao với phương châm “tiên học lễ, hậu học văn”, vì nó là cái móng cho một con người tử tế, gia đình ấm êm, quốc gia hưng thịnh.

Đúng như lời khuyên nói trên, nhìn vào những gia đình mà ở đó bố mẹ buông lỏng chuyện giáo dục lòng nhân ái, hiếu nghĩa, kính trên nhường dưới… thì sẽ rất khó coi (với xã hội), thường xào xáo vì không tôn ti (trong gia đình). Người trẻ lớn lên trong môi trường mà tình yêu thương, lễ nghĩa thiếu vắng khi ra ngoài cũng ứng xử như vậy và dễ phạm tội.

Tôi xin kể một chuyện dạy con tâm đắc: Xưa có một bà mẹ nọ, một lần đứa con trai nhỏ của mình ăn cắp trái ổi nhà hàng xóm, vì thương con và sĩ diện, bà ra sức bảo vệ.

Đứa trẻ lớn lên trong tinh thần luôn được mẹ chống lưng để làm sai như vậy, nên đã không còn tôn trọng của cải người khác. Về sau, đứa trẻ ấy trở thành người ăn cắp và sa lưới pháp luật.

Lúc đó, bà mẹ già yếu cũng ráng đi thăm con, bà khóc thương con. Đứa con nói một câu lạnh lùng: Con bị vậy là do mẹ đó, nếu ngày xưa con ăn cắp trái ổi, trái chanh của người ta, mẹ dạy bảo con, nói đó là sai, uốn nắn con phải thay đổi thì con đâu trở thành kẻ trộm cướp.

Câu chuyện ấy đáng suy nghĩ và nhân rộng ra trong nhiều tình huống khác. Tâm hồn trẻ nhỏ được ví như tờ giấy trắng, cách chúng ta sống, giáo dục sẽ hun đúc nên thói quen, tính cách. Tôi đã có trò chuyện với nhiều chuyên gia tâm lý, họ khẳng định trẻ sẽ trở nên hung dữ, bạo lực nếu sống trong môi trường bạo lực hoặc chính mình là nạn nhân.

Cũng là chuyện xưa, gia đình ba thế hệ nọ, thời buổi khó khăn, đói kém, hai vợ chồng bàn nhau, giờ mình không đủ sức nuôi hai miệng ăn. Cuối cùng họ quyết định đem bà cụ - mẹ mình vào rừng sâu để bỏ, vì nghĩ con mới là tương lai của gia đình.

Trước khi xuất hành, người chồng đóng một chiếc xe đưa mẹ mình đi, đứa con thấy đã hỏi. Ông bố trả lời, đây là chiếc xe bố đưa nội vào rừng, nội lớn tuổi rồi… Và ông đã giật mình, ngẩn ngơ khi nghe lời con trẻ: xong rồi bố đem xe về cho con nha, để mai mốt bố già con cũng đưa bố đi.

Vậy đó, cuộc sống tự thân nó đã là bài học mang tính nhân quả, nếu ta biết lắng nghe. Giáo dục con trẻ trong gia đình cũng vậy. Nếu bố mẹ sống tích cực, lương thiện là đã gieo một hạt giống lành vào tâm thức của con, gieo những hạt giống tốt đẹp cho con trẻ.

“Nếp nhà” là từ rất hay để nói về câu chuyện hình thành nhân cách của trẻ từ chiếc nôi gia đình. Ở đó, các nhà nghiên cứu về tâm lý - xã hội ngày nay còn khuyến cáo việc “thai giáo”, đến “thân giáo”.

Theo đó, ngay khi đứa trẻ xuất hiện trong gia đình dưới dạng một bào thai, thì bố mẹ hoặc người thân đã bắt đầu giáo dục. Từ việc bớt lớn tiếng, hạn chế đến không cãi nhau, cho trẻ phát triển và được tiếp cận những “dịch vụ” tốt nhất về tinh thần, như nghe nhạc thiền, đọc sách...

Đến khi con trẻ được sinh ra, cả nhà bằng cách nghĩ, hành xử, nói chuyện với nhau sẽ dần tạo cho trẻ những bài học đầu đời. Tích cực hay không do chính mỗi “người thầy” gần gũi con nhất, đó chính là thân giáo.

Nghĩ thế mới thấy ví von “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo” nó thâm thúy về mặt giáo dưỡng một tâm hồn con người.

Xã hội ngày nay có quá nhiều kênh tiếp cận trẻ. Nó vừa giúp cho trẻ có nhiều thêm những “người thầy” khác bên ngoài gia đình nhưng cũng chứa những “mã độc”.

Tất nhiên, chúng ta cần có quản lý, định hướng để trẻ không chạy quàn xiên trong mênh mông công nghệ, thượng vàng hạ cám ấy. Việc dành nhiều hơn thời gian cho con để tình yêu thương phủ đầy tâm hồn con thay vì chỉ cặm cụi kiếm tiền, rồi lo “chạy” tùm lum thứ từ chức vụ đến cả… trường điểm, trường xịn cho con; con lớn đi thi đại học thì “chạy” điểm...

Tử tế là nền móng cho con người phát triển. Có thể anh chưa giỏi nhưng nhất thiết anh phải tử tế.

Yêu cầu đó thiết nghĩ chúng ta cũng nên đặt ra trong giáo dục con. Ngày gia đình để thêm ý nghĩa, chúng ta không chỉ chúc tụng mà còn phải nhìn lại cách mình sống và làm việc, ứng xử hằng ngày với nhau và với con.

Bởi tất cả đều là những gì ta truyền trao cho con. Đừng để đến một ngày nghe con mình nói: phải chi hồi xưa bố mẹ dạy con thế này, uốn nắn con thế kia thì con đâu phải vô dụng như vậy…

Lưu Đức Bình Minh

Lưu Đức Bình Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-dinh-noi-hinh-thanh-nhan-cach-moi-nguoi-149626.html