Gia đình ông Huỳnh Sơn tự nguyện thi hành án trước ngày thông báo cưỡng chế
Theo kế hoạch, vào ngày 15/3/2024, đoàn công tác thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự (THADS) đối với vụ việc của ông Huỳnh Sơn, ngụ Khóm 5, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) để đảm bảo thi hành nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng nhờ việc vận động, thuyết phục đến cùng của cơ quan THADS cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương mà đương sự đã tự nguyện thi hành án trước ngày cưỡng chế. Một điều đáng mừng cho công tác thi hành án và cả người phải thi hành án.
Bản án số 90/2019/DSPT, ngày 11/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tuyên xử buộc ông Huỳnh Sơn, những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Ngô Thị Lê (gồm: ông Huỳnh Hưng, ông Huỳnh Song, ông Huỳnh Sương, ông Huỳnh Sơn, bà Huỳnh Thị Kim Hương và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị Kiển) tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 6/5/2015 với vợ chồng ông Phạm Minh Đạt là tháo dỡ, di dời nhà và các cây trồng trên đất. Đồng thời, bàn giao diện tích đất 542,6m2 tại thửa đất số 391, tờ bản đồ số 38, tọa lạc tại Khóm 5, Phường 7, thành phố Sóc Trăng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho vợ chồng ông Đạt. Buộc vợ chồng ông Đạt có nghĩa vụ thanh toán cho những người thừa kế của bà Lê số tiền còn thiếu là 20,5 triệu đồng và công nhận sự tự nguyện của ông Đạt hỗ trợ chi phí tháo gỡ, di dời là 5 triệu đồng.
Theo nội dung bản án, nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là của ông Huỳnh Tấn Phát (mất năm 2004, là cha của ông Sơn) để lại. Sau khi ông Phát mất, mẹ ông Sơn là bà Ngô Thị Lê đã đứng tên quyền sử dụng đất (được sự thống nhất, đồng ý của các con); sau đó, bà Lê được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 27/5/2014, bà Lê có chuyển nhượng cho vợ chồng ông Đạt phần đất trên với số tiền 240 triệu đồng (có thực hiện hợp đồng công chứng). Tổng cộng bà Lê đã nhận của vợ chồng ông Đạt 219,5 triệu đồng và thỏa thuận giao 20,5 triệu đồng còn lại khi vợ chồng ông Đạt được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do một số vấn đề về thủ tục, phải ký kết lại hợp đồng chuyển nhượng vào ngày 6/5/2015 và vợ chồng ông Đạt đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng phía gia đình bà Lê cứ hứa mà không thực hiện giao đất; năm 2016, bà Lê mất; vợ chồng ông Đạt khởi kiện yêu cầu những người thừa kế của bà Lê phải tiếp tục thực hiện nội dung hợp đồng chuyển nhượng trên.
Ông Phan Hoàng Thắng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo THADS, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Sóc Trăng cho biết, quá trình giải quyết việc thi hành án, chấp hành viên đã vận động, giải thích cụ thể, đầy đủ quy định về nghĩa vụ thi hành án nhưng phía ông Sơn cương quyết không thi hành. Vì ông không đồng ý với nội dung bản án nên cũng không đồng ý nhận số tiền do vợ ông Đạt hoàn trả, hỗ trợ. Ngày 1/6/2019, Chi cục THADS thành phố Sóc Trăng phối hợp với đoàn thể, chính quyền địa phương tiến hành động viên, thuyết phục nhưng hộ ông Sơn vẫn không thống nhất tiếp tục thực hiện hợp đồng và gia đình ông Sơn đang gửi đơn về trên. Ngày 20/11/2019, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo THADS, ý kiến của các thành viên thống nhất đề nghị Chi cục THADS thành phố có văn bản gửi Tòa án nhân dân Cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sớm xem xét lại nội dung Bản án số 90/2019/DSPT của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng theo quy định. Ngày 19/8/2022, Chi cục THADS thành phố Sóc Trăng nhận được Thông báo số 1160/TB-TA, ngày 27/7/2022 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án số 90/2019/DSPT.
Ngày 18/8/2022, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo THADS thành phố, Trưởng ban thống nhất quan điểm tiến hành cưỡng chế đảm bảo đúng quy định pháp luật; yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục vận động tự nguyện thi hành án và vận động người được thi hành án là ông Đạt có thể hỗ trợ thêm tiền để ông Sơn có thể tạo dựng nơi ở mới. Kết quả vận động, vợ chồng ông Đạt thống nhất hỗ trợ 50 triệu đồng, nếu người phải thi hành án tự nguyện thi hành án.
Qua xác minh, hiện trạng căn nhà phải di dời theo bản án đã mục nát, chỉ còn lại phần nhà sau được cất tạm trên phần đất phải di dời. Để có cơ sở tổ chức việc thi hành án đúng quy định, Chi cục THADS thành phố đã có văn bản đề nghị tòa án giải thích một số từ ngữ và tòa án đã có thông báo về việc sửa chữa, bổ sung bản án. Cụ thể, trước là tháo dỡ, di dời nhà và các cây trồng trên đất; nay là đập dỡ nhà, chặt đốn các cây trồng trên đất.
Bà Nguyễn Thị Út - Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Sóc Trăng, chấp hành viên giải quyết trực tiếp vụ việc trên cho biết, hiện trạng căn nhà trên đất đã mục nát, không có giá trị sử dụng. Chỉ còn lại phần nhà sau được cất tạm nhưng lại là căn nhà ở duy nhất của hộ ông Sơn, bà Kiển, bà Hương. Hộ ông Sơn thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền của địa phương; bà Hương đang bán vé số... Nói chung phía người phải thi hành án có hoàn cảnh rất khó khăn.
“Bản án đã có hiệu lực, người phải thi hành án không chấp hành bản án, cố tình kéo dài việc thi hành án. Được sự thống nhất của Ban Chỉ đạo THADS thành phố, đơn vị đã thực hiện các bước theo quy định và đã thông báo tiến hành cưỡng chế vào ngày 15/3/2024 để đảm bảo thi hành nội dung bản án đối với vụ việc trên. Nhưng song song với việc tiến hành cưỡng chế, đơn vị luôn phối hợp với ban ngành, đoàn thể, địa phương liên tục vận động, thuyết phục tự nguyện. Đồng thời, vận động phía bên được thi hành án hỗ trợ chi phí để giúp phía gia đình ông Sơn ổn định cuộc sống. Đối với cơ quan thi hành án, vận động là chính; vận động, thuyết phục đến cùng; vận động bằng nhiều hình thức...” - bà Út chia sẻ.
Đồng cảm với sự khó khăn của người phải thi hành án, vợ chồng ông Đạt đã thống nhất hỗ trợ thêm với tổng số tiền 120 triệu đồng, ngoài số tiền đã tự nguyện hỗ trợ trong bản án. Chính sự thấu hiểu, quyết tâm đã đem đến kết quả, phía ông Sơn đã tự nguyện thi hành án trước ngày thông báo cưỡng chế.
Trong thi hành án, cơ quan THADS luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục là phương pháp quan trọng và đầu tiên. Nhưng để đạt được hiệu quả thực sự, công tác THADS rất cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo THADS và sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ từ các cơ quan hữu quan, nhất là các cơ quan đoàn thể trong thực hiện công tác dân vận.