Gia đình quân nhân làm kinh tế giỏi

Nơi miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng không ít quân nhân đang công tác tại Ban CHQS huyện Văn Chấn, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã tiên phong dám nghĩ, dám làm; vừa hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao, vừa phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nỗ lực để "tròn cả hai vai"

Tích cực, chủ động trong công tác, gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt-đó là những nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thiếu tá QNCN Bùi Ngọc Ánh, nhân viên dân quân Ban CHQS huyện Văn Chấn. Trên cương vị công tác, anh Ánh luôn chủ động nghiên cứu, nắm chắc các văn bản, hướng dẫn của trên, tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đơn vị nhiều giải pháp củng cố, xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn đạt hiệu quả.

Anh Tráng A Dơ và vợ chăm sóc vườn quế. Ảnh: TRUNG HIẾU

Anh Tráng A Dơ và vợ chăm sóc vườn quế. Ảnh: TRUNG HIẾU

Anh còn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ từng bước thực hiện nhiệm vụ của các đầu mối cơ sở; trực tiếp rút kinh nghiệm, hướng dẫn cơ sở tìm ra cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Không chỉ tận tâm trong thực hiện nhiệm vụ, anh Ánh còn là người mạnh dạn, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Quan điểm của anh Ánh là phải nỗ lực để "tròn cả hai vai", có nghĩa, bản thân phải vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị, vừa phải chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm. Từ suy nghĩ đó, anh mạnh dạn tìm lối đi riêng để phát triển kinh tế gia đình.

“Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” thật đúng khi nói về gia đình anh Ánh. Khi người chồng manh nha ý định khởi nghiệp nuôi ba ba, thì vợ anh không chỉ ủng hộ mà còn tích cực sẻ chia, trao đổi để thực hiện ý tưởng. Từ hai bàn tay trắng với lứa ba ba đầu tiên ít ỏi, đến nay, vợ chồng anh đã sở hữu hàng nghìn con ba ba các loại. Kinh tế gia đình theo đó cũng ngày càng trở nên khấm khá.

Xã Cát Thịnh là vùng đất nuôi ba ba nổi tiếng của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Không giống những gia đình nuôi ba ba thương phẩm, anh Ánh chuyển hướng nuôi ba ba sinh sản. Thời điểm năm 2009, anh phải đi khắp nơi tìm mua giống ba ba gai-loài ba ba hiếm và khó chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao-về nuôi. Với bản lĩnh của một quân nhân, anh Ánh không ngại khó, ngại khổ vừa nuôi, vừa tìm hiểu và rút kinh nghiệm để lứa ba ba sau sinh sản nhiều hơn lứa trước. Trong quá trình nuôi ba ba, vợ chồng anh Ánh kết hợp thả cá mè, rô phi, ốc... để tận dụng nguồn thức ăn đồng thời cải thiện nguồn nước. Nhờ đó, mô hình của gia đình anh đã thành công, cho hiệu quả kinh tế cao. Khởi đầu có 50 con ba ba giống mới nở, đến nay, hệ thống ao nhà anh đã bảo đảm được 1.000 con cả ba ba bố mẹ lẫn ba ba thương phẩm.

Việc chăm sóc ba ba hiện được vợ chồng anh dần đưa vào tự động hóa. Thức ăn cho ba ba là cá, thịt thì đưa vào máy thái, ao thả ba ba được lắp đặt hệ thống lọc nước tránh tù đọng. Vì vậy, nuôi ba ba hoàn toàn không chiếm nhiều thời gian. Vợ chồng anh vẫn bảo đảm được công việc tại cơ quan, vừa phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình ấm no, quê hương giàu đẹp

Trước khi về công tác tại Ban CHQS huyện Văn Chấn, Thiếu tá QNCN Tráng A Dơ đã có hơn 13 năm công tác ở tỉnh Lai Châu. Nhiệm vụ của anh là làm công tác dân vận, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Thời gian đó, Tráng A Dơ tích cực vận động nhân dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu, không tin, không nghe theo các luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ; đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, Tráng A Dơ cũng không ngại khó, ngại khổ cùng người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, không ngừng trao đổi, học hỏi, áp dụng khoa học vào sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Những kinh nghiệm thực tiễn thời điểm đó giúp Tráng A Dơ rất nhiều trong công việc hiện nay-nhân viên bảo vệ thao trường Quân khu 2.

Là một đảng viên, đồng chí Tráng A Dơ luôn trăn trở, bản thân phải làm việc cần mẫn hơn để vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất của đơn vị, vừa xây dựng kinh tế gia đình ngày một tốt lên thì mới tạo được niềm tin cho người dân đang sinh sống trên mảnh đất quê hương. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu, vợ chồng anh trồng rau, nuôi lợn, gà để bán. Nhưng sau một thời gian thấy hiệu quả kinh tế không cao, gia đình anh lại tìm cách làm giàu từ các kênh thông tin tuyên truyền trên báo, đài và qua khảo sát thực tiễn.

Nhận thấy giá trị của cây quế vừa cho thu hoạch lâu dài, vừa cho thu hoạch hằng năm và quan trọng hơn là phù hợp với hoàn cảnh gia đình nên anh mạnh dạn đầu tư. Hiện nay, gia đình anh Tráng A Dơ có 7ha trồng quế mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhìn lại thời điểm 15 năm trước, có biết bao khó khăn, thử thách nhưng với suy nghĩ của người lính Cụ Hồ đã giúp anh vượt lên, dần khẳng định con đường đi của mình là đúng. Căn nhà khang trang 2 tầng rộng hơn 100m2 với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt là thành quả cho những nỗ lực không ngừng của vợ chồng anh.

Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, Thiếu tá QNCN Bùi Ngọc Ánh và Thiếu tá QNCN Tráng A Dơ luôn tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời chung tay vun đắp cho cuộc sống gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc, cũng là góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày một giàu đẹp.

LỆ CHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/gia-dinh-quan-nhan-lam-kinh-te-gioi-792725