Gia đình truyền thống: hai lần đứt gãy

Xem ra trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử đất nước thì giai đoạn hiện nay là lúc gia đình lớn (đại gia đình), gia đình nhỏ bị xáo trộn nhiều nhất, va đập nhiều nhất.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, cấu trúc gia đình truyền thống đã có nhiều thay đổi, nhiều biến thể mới xuất hiện. Điều đầu tiên là hiện tượng thanh niên không muốn kết hôn, nhất là ở thành phố và giới trí thức, dường như nó trở thành một làn sóng rất mạnh mẽ hiện diện khắp nơi. Thêm nữa là những cuộc hôn nhân đồng giới. Những biến thể này không tạo ra cái đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình để lưu giữ nếp nhà, gia phong như quan niệm truyền thống.

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa (Chuyên gia đô thị học). Ảnh: TLNV

Ngay những gia đình, dòng họ truyền thống cũng đứt gãy. Người ta chứng kiến hai lần đứt gãy như thế. Lần thứ nhất, bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng triệu thanh niên bỏ nông thôn về các thành phố, các khu công nghiệp tìm cơ hội mưu sinh. Họ hăm hở đến thành phố, không quay về bản quán nữa.

Vậy là gia đình tam, tứ đại đồng đường ở làng xóm tan rã để hình thành các gia đình hạt nhân ở thành phố, còn ở làng xã chỉ còn lại ông bà già. Khoảng cách thế hệ (không gian vật lý, tâm lý-xã hội) ngày càng xa và cơ hội giao tiếp ngày càng ít khiến cho việc trao truyền, tiếp nhận giá trị gia phong không thường xuyên và cứ nhạt dần.

Khoảng 15 năm trở lại đây, là sự phân rã gia đình lần thứ hai: hiện tượng ly hương sang xứ người định cư. Ban đầu hiện tượng này chỉ diễn ra ở một số gia đình giàu có, gia đình quan chức. Họ cho con đi du học theo con đường nhà nước hay tự túc. Những cô cậu này sau khi tốt nghiệp đại học ở lại định cư rồi sau đó bảo lãnh cha mẹ, người thân qua.

Ngoài ra, còn nhiều cách như kết hôn giả, xin tỵ nạn chính trị, đầu tư giả, vượt biên, kể cả việc bỏ trốn ở lại sau khi học xong. Bên cạnh đó, là phong trào đi xuất khẩu lao động rồi trốn ở lại, nhiều nhất là tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Hiện có hơn 5 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài - chiếm tỷ lệ 5% dân số (nằm trong nhóm quốc gia có người định cư nước ngoài cao nhất thế giới).

Gia đình chị Vương Thị Nhung tự hào với 3 đời truyền nghề thêu cờ Tổ quốc tại làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh minh họa. Ảnh: Định Nguyễn

Nếu những năm 90 của thế kỷ trước, việc phân rã cấu trúc gia đình diễn ra ít đau đớn, bởi con cái có bỏ cha mẹ, bỏ nơi chôn rau cắt rốn đi xa thì bất quá cũng chỉ loanh quanh ở đất nước này, tết nhất, giỗ chạp họ vẫn về. Làn sóng thứ hai này mang một bản chất và hình thái rất khác. Đây là việc họ bứt hẳn khỏi tổ quốc, và mang một quốc tịch khác, trở thành những “người khác”. Ông bà nội ngoại khó khăn để mà nhận làm cháu những đứa trẻ mắt xanh mũi lõ, da đen tóc quăn, họ tên cũng lạ hoắc và không biết nói tiếng Việt. Những đứa trẻ như thế liệu có biết đứng trước bàn thờ cha ông để nghe về gia phong?

Một dòng chảy truyền thống văn hóa gia đình (và cũng là giá trị sống) tồn tại hàng nghìn năm, nay đang bị thách thức và dần tan rữa từng mảng.

Còn một điều nữa cần nói thêm, đó là việc gìn giữ gia phong ở đô thị. Muốn hay không cũng phải nhận thấy đó là một thách thức lớn. Nhìn sâu vào truyền thống mới hiểu gia phong là cương thường, đạo lý và những quy tắc rất bài bản trong quan, hôn, tang, tế, lễ hội, trong hành vi ứng xử. Ở các thành phố lớn, nhất là TP.HCM, thì gia phong chỉ được thực hành từng mảnh vụn theo cách hiểu, cách nhận biết của mỗi người. Trong bối cảnh ấy có lẽ phải chấp nhận có gia phong truyền thống, gia phong phi truyền thống, gia phong của công dân quốc tế chăng?

Xem ra trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử đất nước thì giai đoạn hiện nay là lúc gia đình lớn (đại gia đình), gia đình nhỏ bị xáo trộn nhiều nhất, va đập nhiều nhất. Ai cũng thấy bất an, ai cũng hoang mang rằng giá trị thật sự của cái gọi là gia đình ở đâu? Làm sao duy trì được gia phong, trao truyền các giá trị quý báu của gia đình trong khi dòng chảy văn hóa gia đình bị ngắt quãng, đứt gãy cả về thực thể lẫn tinh thần?

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa (Chuyên gia đô thị học)

Duy Thông - Quốc Ngọc ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gia-dinh-truyen-thong-hai-lan-dut-gay-38052.html