Gia đình Việt vun đắp thế hệ trẻ giàu yêu thương và trách nhiệm xã hội

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi nuôi dưỡng những giá trị đạo đức và văn hóa cơ bản. Trong xã hội hiện đại, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, và ứng xử trong gia đình trở thành thách thức quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm từ cá nhân, cộng đồng và chính sách quốc gia.

Thành viên lạ “chen chân” trong gia đình

Gia đình là môi trường đầu tiên mà mỗi cá nhân được tiếp xúc và học hỏi. Đây là nơi trẻ em được hình thành nhân cách, tiếp thu những giá trị đạo đức và phát triển lối sống lành mạnh. Những bài học đầu đời như lòng yêu thương, sự kính trọng người lớn tuổi, và ý thức trách nhiệm đều bắt nguồn từ gia đình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, những áp lực từ công việc, kinh tế và xã hội khiến nhiều gia đình không còn đủ thời gian hoặc nguồn lực để tập trung vào việc giáo dục đạo đức và lối sống cho con cái. Điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm các giá trị truyền thống trong đời sống gia đình.

Ngày nay, gia đình Việt Nam đang chịu sự tác động mạnh mẽ từ các yếu tố như công nghệ, toàn cầu hóa và đô thị hóa. Công nghệ hiện diện thay đổi cuộc sống trong mỗi gia đình. Những “thành viên” mới như điện thoại thông minh, máy tính bảng “chen chân” mạnh mẽ, thay thế phần lớn thời gian giao tiếp trực tiếp của mỗi người trong gia đình.

 Những bài học đầu đời như lòng yêu thương, sự kính trọng người lớn tuổi, và ý thức trách nhiệm đều bắt nguồn từ gia đình. Ảnh: Quốc Việt

Những bài học đầu đời như lòng yêu thương, sự kính trọng người lớn tuổi, và ý thức trách nhiệm đều bắt nguồn từ gia đình. Ảnh: Quốc Việt

Một số gia đình, đặc biệt ở khu vực đô thị, gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và thời gian dành cho con cái. Sự thiếu quan tâm hoặc kiểm soát từ phụ huynh có thể dẫn đến việc trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ môi trường bên ngoài.

Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm nâng cao giáo dục đạo đức và lối sống trong gia đình. Việt Nam không thiếu những chiến dịch truyền thông như "Xây dựng gia đình văn hóa", "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" được triển khai rộng rãi để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò giáo dục trong gia đình. Thông qua đó, những giá trị cốt lõi về đạo đức và lối sống được phổ biến đến từng gia đình, khắp mọi miền đất nước.

Để lồng ghép giáo dục đạo đức trong hệ thống giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các chương trình giảng dạy tích hợp nội dung này trong trường học. Những bài học được đưa vào chương trình không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn khuyến khích học sinh thực hành các giá trị đạo đức thông qua hoạt động nhóm và ngoại khóa. Điều này góp phần hỗ trợ gia đình trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em.

Trẻ học yêu thương, phụ huynh học cách làm cha mẹ

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các gia đình trẻ, gia đình đơn thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các trung tâm tư vấn gia đình được thành lập nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái, từ đó giúp các bậc phụ huynh thực hiện tốt hơn vai trò giáo dục trong gia đình.

Các tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… góp vai trò đáng kể trong việc tổ chức các chương trình giáo dục về đạo đức và lối sống. Những hoạt động này không chỉ nhắm đến trẻ em mà còn giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý gia đình.

Lâu nay, chương trình "Gia đình và trẻ em" được phát sóng đều đặn trên các kênh truyền hình quốc gia, cung cấp các tình huống thực tế và giải pháp để giải quyết mâu thuẫn gia đình. Ngoài ra, các lớp học kỹ năng làm cha mẹ được tổ chức tại các địa phương đã giúp nhiều gia đình trẻ hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong việc giáo dục con cái.

 Những “thành viên” mới như điện thoại thông minh, máy tính bảng “chen chân” mạnh mẽ, thay thế phần lớn thời gian giao tiếp trực tiếp của mỗi người trong gia đình

Những “thành viên” mới như điện thoại thông minh, máy tính bảng “chen chân” mạnh mẽ, thay thế phần lớn thời gian giao tiếp trực tiếp của mỗi người trong gia đình

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, ở những khu vực được triển khai tốt các chính sách này, tình trạng bạo lực gia đình và trẻ em bỏ học giảm đáng kể, trong khi các giá trị văn hóa gia đình truyền thống được khôi phục và duy trì.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng việc thực hiện các chính sách giáo dục đạo đức và lối sống trong gia đình vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn lực, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan và nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân.

Để khắc phục, cần tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo kỹ năng quản lý gia đình, mở rộng quy mô các chiến dịch truyền thông và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả của các chính sách đề ra để kịp thời điều chỉnh và cải thiện.

Các chuyên gia nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống và ứng xử trong gia đình là nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam. Với sự phối hợp của các chính sách nhà nước, sự hỗ trợ từ cộng đồng và nỗ lực của từng gia đình, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thế hệ trẻ không chỉ giỏi về tri thức mà còn giàu tình yêu thương và trách nhiệm xã hội. Phát huy những giá trị tốt đẹp trong gia đình là cách thức hiệu quả góp phần tạo dựng một xã hội văn minh và hạnh phúc.

Thảo Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gia-dinh-viet-vun-dap-the-he-tre-giau-yeu-thuong-va-trach-nhiem-xa-hoi-post400219.html