Giá dừa trái tăng cao kỷ lục, vì sao?

Do tác động của thời tiết khiến sản lượng dừa giảm, trong khi nhu cầu của thế giới cao, đã tác động tới giá dừa tăng cao trong nước.

Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh tại TP.HCM, giá dừa uống nước loại thường đang neo mức cao từ 18.000 – 20.000 đồng/quả đối với dừa xiêm xanh và dừa Mã Lai, và 22.000 -25.000 đồng/quả đối với dừa "tuyển".

Giá dừa tăng cao

Ghé mua dừa tại một vựa dừa quen trên đường Phạm Văn Bạch (Gò Vấp), người bán thành thật thông báo rằng: Giá dừa đang rất cao và không còn ngọt đậm như trước.

Theo người này, so với hai tháng trở lại đây, dừa uống nước đã tăng giá ít nhất 3.000 - 5.000 đồng/quả. Hiện giá dừa bán lẻ trung bình đạt 18.000 đồng/trái đối với loại thường, trong khi hàng “tuyển” – tức dừa có độ ngọt cao, nhiều nước, mỏng cơm phải trên 22.000 đồng/quả.

 Giá dừa tăng ít nhất 3.000 - 5.000 đồng/trái so với 2 tháng trước đây. ẢNH: HẠ QUYÊN

Giá dừa tăng ít nhất 3.000 - 5.000 đồng/trái so với 2 tháng trước đây. ẢNH: HẠ QUYÊN

Lý giải nguyên nhân, người này cho biết, năm nay dừa bị tác động bởi thời tiết nên ảnh hưởng tới chất lượng và nguồn cung ra thị trường.

“So với lứa dừa hồi năm 2024, độ ngọt giảm nhiều, hàng “tuyển” về cũng rất ít, giá lại cao nên sức mua của người dân vì thế cũng dè dặt hơn”- người bán chia sẻ.

Ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá dừa tươi và dừa khô tại vườn cũng đang tăng liên tục, khiến các đơn vị thu mua cũng phải chóng mặt. Theo thương lái, có nơi giá dừa tươi xác lập kỷ lục ở mức gần 200.000 /chục (12trái) và 220.000 đồng/chục đối với dừa khô nguyên liệu.

Trao đổi với PLO, ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam xác nhận không chỉ dừa tươi mà giá dừa nguyên liệu cũng đang neo ở mức rất cao. Và tình trạng cao kỷ lục nêu trên ở cục bộ một số địa phương.

“Tính chung khu vực Tây Nam Bộ, trung bình giá dừa khô nguyên liệu thu mua tại vườn đạt 14.000 – 14.500 đồng/trái, tức khoảng 168.000 – 174.000 đồng/chục (12 trái).

Tùy vào từng khu vực mà giá thu mua sẽ khác nhau. Đơn cử tại Bến Tre, Trà Vinh đang đạt giá thu mua cao kỷ lục nhất với 200.000/chục 12 trái loại 1, trong khi Sóc Trăng, An Giang có giá từ 140.000 - 150.000 đồng/chục…

Với dừa tươi uống nước, như dừa xiêm xanh hàng đạt chuẩn xuất khẩu cũng tăng cao trung bình với giá từ 16.000 đồng/trái”- ông Khoa nói.

 Giá dừa tăng ở cả dừa tươi uống nước và dừa khô nguyên liệu. ẢNH: H.QUYÊN

Giá dừa tăng ở cả dừa tươi uống nước và dừa khô nguyên liệu. ẢNH: H.QUYÊN

Cũng theo vị này so với cùng kỳ năm ngoái, giá dừa tươi và dừa khô nguyên liệu mua tại vườn đã tăng ít nhất 30.000 – 40.000 đồng/chục.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đình Tùng, Tổng giám đốc T&T Group cũng bày tỏ, giá dừa tươi đang tăng theo từng ngày. Ông Tùng nói: "Hiện nay giá dừa tươi loại 1 đạt chuẩn xuất khẩu doanh nghiệp đang thu mua ở mức rất cao với giá 200.000 đồng/chục 12 trái. Dù vậy, sản lượng dừa thu mua vào chỉ mới đáp ứng được 2/3 đơn hàng của khách".

Cũng theo vị này, mỗi tuần T&T Group xuất đi 7-10 container, với mỗi container khoảng 20.000 trái.

Nhiều nguyên nhân khiến dừa tăng giá

Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, sản lượng dừa hiện đang giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân là do cây dừa, nhất là dừa tại khu vực Bến Tre, Tiền Giang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu xâm nhập mặn làm giảm chất lượng và nguồn cung, trong khi thương lái vào tận vườn thu mua đã gây áp lực lên chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, việc chưa có một quy chuẩn hay một loại phân bón dành riêng cho cây dừa, cũng khiến tình trạng sâu bệnh vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến nguồn cung dừa.

Nhìn rộng trên toàn thị trường thế giới, ông Khoa cho hay, không chỉ tại Việt Nam, giá dừa tươi và dừa nguyên liệu của các vùng trồng chủ lực như Sri Lanka, Philippines, Thái Lan… cũng ở mức cao. Nguyên nhân chung là do tình trạng sản lượng sụt giảm do thời tiết cực đoan và dịch sâu bệnh lan rộng, trong khi nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, đã tác động lên giá thu mua.

Phân tích cụ thể đối với thị trường Việt Nam, theo ông Khoa, ngoài sản lượng giảm do tác động của thời tiết thì giá dừa tăng mạnhnhững ngày qua một phần là do dừa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, các nước EU cũng mở cửa vì thế các nhà bán lẻ tăng cường săn dừa Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường Indonesia- nơi có sản lượng dừa lớn nhất thế giới áp thuế đối với dừa nguyên liệu thô xuất khẩu, khiến các nhà đầu tư chế biến sâu dịch chuyển hướng sang thu mua dừa nguyên liệu tại Việt Nam.

Thêm vào đó, hiện nay khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã về tận các vùng trồng tại ĐBSCL, nhất là Bến Tre để mở nhà máy đầu tư chế biến sâu như nước dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông…, trực tiếp thu mua dừa nguyên liệu của nước ta. Điều này khiến thị trường thêm nhiều sự cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh nguồn cung về dừa giảm.

"Những lý do này đã đẩy giá, đặc biệt là giá dừa khô tăng cao và cao hơn cả dừa tươi"- ông Khoa nói.

Dù vậy, theo ông Khoa, giá dừa cao là một tín hiệu vui cho bà con nông dân Việt Nam để tiếp tục phát triển ngành.

Vị này cũng kỳ vọng, trong tương lai nếu làm tốt thương hiệu dừa Việt Nam, quy hoạch vùng trồng một cách bài bản và có sự hướng dẫn chi tiết trong chăm sóc dừa thì có thể giá dừa còn tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Số liệu từ Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu dừa tươi đạt 33,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2024. Các sản phẩm chế biến từ dừa cũng mang về 43,8 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong 2-2025, giá trị xuất khẩu dừa tươi đạt 13,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh 46%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có 200.000 ha dừa với sản lượng 2 triệu tấn một năm. Trong đó, 1/3 diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-dua-trai-tang-cao-ky-luc-vi-sao-post848434.html