Giá đường tăng cao kỷ lục, sao doanh nghiệp vẫn than khó?
Giá đường tăng cao kỷ lục trong vòng 10 năm. Nhưng doanh nghiệp ngành đường cho biết vẫn khó cạnh tranh với đường nhập lậu.
Giá đường thế giới thời gian qua tăng mạnh, vượt đỉnh 10 năm trước những lo ngại về nguồn cung có thể thấp hơn so với những dự báo được đưa ra trước đó. Cụ thể, tính đến ngày 10/4, giá đường giao trong tháng 5/2023 đạt mức 23,6 US Cent/pound, tăng 24% so với đầu năm nay.
Bên cạnh đà tăng phi mã của giá đường thế giới, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại cũng đã hạn chế lượng lớn đường nhập về, cung - cầu cân bằng hơn, giá đường trong nước được kỳ vọng duy trì ở mức cao. Trong quý 1/2023, nhập khẩu đường từ Thái Lan, Lào và Campuchia trong quý 1 giảm hơn 12% trong với cùng kỳ, nguồn nhập thay thế chủ yếu đến từ Úc và Indonesia.
Giá thu mua mía đã hồi phục về mức trung bình 1.05 - 1.1 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung, tạo điều kiện thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu tạo. Giá đường được dự báo sẽ tăng quanh mức 18,000 - 18,500 đồng/kg nhờ nhu cầu trong nước tăng và giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế thúc đẩy nhu cầu với đường trong nước.
Mặc dù giá đường trong nước điều chỉnh tăng được giới phân tích nhận định có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu song các doanh nghiệp ngành đường lại nói rằng chưa hưởng lợi nhiều. Bà Huỳnh Thị Ngọc Diệp, Đại diện Công ty CP Đường Quảng Ngãi - cho biết, giá đường thế giới tăng mạnh trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, giá đường trong nước hiện không thay đổi nhiều. “Lần điều chỉnh giá đường gần nhất cách đây hơn 1 tuần tuy nhiên mức tăng rất nhẹ. Giá đường trong nước ở thời điểm hiện tại tương đương với cùng kỳ năm trước”- bà Diệp nói.
Cũng theo bà Diệp, dù sản lượng tiêu thụ đường trong nước vào khoảng hơn 2 triệu tấn/năm và sản lượng sản xuất đường của các doanh nghiệp trong nước chưa đủ phục vụ song vẫn có nghịch lý “thừa cung” do sự tràn lan của đường nhập lậu.
Bà Diệp cho rằng, ngoài kiểm soát giá đường để bình ổn thị trường, cần phải có sự đấu tranh quyết liệt hơn trong công tác chống đường nhập lậu để cạnh tranh lành mạnh hóa đối với mặt hàng đường.
Trên thực tế câu chuyện đường trong nước khó cạnh tranh với đường lậu không mới. Trong rất nhiều cuộc họp, nhiều văn bản, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đều nhận định lượng đường lậu tràn vào thị trường trong nước mỗi năm lên tới hàng trăm ngàn tấn. Trong đó cả năm 2022, chỉ riêng lượng đường từ Campuchia và Lào vào Việt Nam ước tính 756.300 tấn. Và năm 2023, VSSA cũng cho biết lượng đường nhập lậu vẫn tiếp tục tuồn vào Việt Nam, gây khó khăn cho ngành đường nội địa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch VSSA nói rằng, giai đoạn từ giữa tháng 3/2023 trở về trước đường nhập khẩu và đường lậu làm “bá chủ” đối với thị trường nội địa. Trong quý 1/2023, có thời điểm, nhiều nhà máy đường không bán được hàng vì nhu cầu thấp, sức ép từ đường lậu lớn. Trong khi giai đoạn này là cao điểm của vụ ép mía dẫn đến hàng tồn kho lớn, nhiều nhà máy không còn chỗ chứa trong kho và phải chất đường ra ngoài.
“Thị trường hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi đường nhập khẩu thuộc hạn ngạch 2022 bổ sung, đường lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại từ Indonesia và đường nhập lậu có xuất xứ từ Thái Lan”, ông Lộc cho biết.
Ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng, cơ quan quản lý dù đang rất nỗ lực trong việc kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn đường nhập lậu. Tuy vậy, chủ yếu tập trung vào những đối tượng vận chuyển hoặc cơ sở kinh doanh, mà chưa bắt được “đầu nậu”. Thêm vào đó, các biện pháp xử phạt với hành vi buôn lậu đường cát vẫn còn nhẹ, cho nên thời gian tới các cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp xử phạt nặng hơn để có thể “trấn áp” được đường lậu.