Giá gà thịt tăng giúp người nuôi lãi cao
Vào những ngày này, giá gà thịt ở tỉnh Tiền Giang tăng nhẹ nên người chăn nuôi phấn khởi bởi có lãi cao so với năm 2023.
Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh gia cầm lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, giá gà ta Bình Định được mua tại chuồng với giá 56.000 đồng/kg, gà tre có giá 77.000 đồng/kg, gà nòi có giá 70.000 đồng/kg.
Theo các chủ trang trại nuôi gà ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, với giá mua gà thịt như hiện nay, người nuôi có lãi từ 5 - 7 triệu đồng khi nuôi số lượng 1.000 con. Trước tình hình này, nhiều chủ trại nuôi gà yên tâm, phấn khởi đầu tư để tái đàn.
Huyện Chợ Gạo có đàn gia cầm trên 7,5 triệu con và là nơi có đàn gia cầm được chăn nuôi tập trung lớn nhất ở tỉnh Tiền Giang. Phần lớn, gia cầm được nuôi ở các trang trại chuyên canh quy mô lớn; trong đó, có 28 trại có quy mô đàn trên 30.000 con/trại, chuyên khai thác trứng.
Ông Lê Hữu Dụng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo cho biết, trên địa bàn có khoảng 4.000 hộ nuôi gà thịt với số lượng ước tính 1,2 triệu con. Giá gà thịt tăng, người nuôi có lãi nhưng chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người nuôi cần quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn, tuyệt đối không sử dụng thức ăn có chất cấm, tăng trọng hoặc có kháng sinh nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trong những ngày Tết.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong thời tiết lạnh cuối năm, nhằm phòng ngừa dịch bệnh cúm A H5N1, bảo vệ đàn gia cầm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, tổng số đàn gia cầm của tỉnh hiện nay là 16,3 triệu con, chưa kể chim cút. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 56.700 tấn thịt gia cầm cùng trứng gia cầm là 1.190 triệu quả.
Trong năm 2023, giá một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi giảm nhẹ từ 300 - 400 đồng/kg, đây là tín hiệu đáng mừng. Việc giảm giá thành đầu vào giúp giảm áp lực cho các cơ sở chăn nuôi. Đến nay, chăn nuôi gia cầm trang trại trên địa bàn chiếm khoảng 61% tổng đàn trên tổng số 844 trang trại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đã tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân như theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các cơ sở đầu tư áp dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi có 115 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đầu tư áp dụng một trong số các công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi như: hệ thống chuồng lạnh; hệ thống ăn, uống tự động; hệ thống thu gom trứng, phân tự động; hệ thống xử lý phân gia cầm thành phân hữu cơ…