Giá gạo Ấn Độ, Thái Lan cao nhất kể từ giữa năm 2021
Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Ấn Độ, Thái Lan cao nhất kể từ giữa năm 2021
*Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới- trong tuần này đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, được hỗ trợ bởi sự thắt chặt nguồn cung và đồng rupee mạnh lên, trong khi nhu cầu tăng cũng đẩy giá gạo của Thái Lan lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021.
Tuần này, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ được bán ở mức 367-375 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 24/6/2021, đồng thời tăng từ mức giá 359-363 USD/tấn của tuần trước. Một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: "Các nhà máy chủ yếu tập trung vào xay xát gạo trắng.
Nguồn cung gạo đồ rất hạn chế và đó là lý do tại sao giá đang tăng cao". Ông nói thêm, giá gạo tăng một phần bởi đồng rupee tăng giá, khiến giảm tỷ suất lợi nhuận của các thương nhân từ việc bán hàng tại nước ngoài.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng lên 404-405 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021, từ mức tương ứng 390-402 USD/tấn của tuần trước đó. Các thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết, nhu cầu tăng cao từ các nhà xuất khẩu do họ cố gắng phải hoàn thành các đơn đặt hàng trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch đã làm giá gạo tăng một chút. Thái Lan đã xuất khẩu 5,39 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 1-11/2021, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 395- 405/tấn, tăng từ mức 395- 400 USD/tấn của tuần trước.
Tại Bangladesh, giá gạo nội địa tăng trở lại trong tuần này mặc dù vụ mùa tốt và lượng nhập khẩu lớn. Bangladesh, một trong những nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, đã nhập khẩu gần 1,36 triệu tấn trong niên vụ kết thúc vào tháng 6/2021.
*Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản tại Mỹ biến động trái chiều trong phiên cuối tuần 14/1. Trong khi giá ngô tăng thì giá lúa mì và đậu tương lại suy giảm.
Chốt phiên này, tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago của Mỹ, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 8,75 xu Mỹ (1,49%) lên 5,9625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn lại hạ 5,25 xu Mỹ (0,7%) xuống 7,415 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 3/2022 cũng mất 7,5 xu Mỹ (0,54%) xuống 13,6975 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết, giá lúa mì trên toàn thế giới được coi là định giá thấp hơn so với giá trị thực tế khi thị trường giao ngay ở khu vực Biển Đen ổn định.
Mặc dù rủi ro về thời tiết khá cao, tuy nhiên khó dẫn tới một sự thay đổi hoàn toàn và lâu dài trong hoạt động trồng trọt tại Nam Mỹ vào cuối mùa Đông năm nay. Hiện tượng thời tiết La Nina được dự báo sẽ kéo dài trong tháng 6 và tháng 7 năm nay. AgResource cho rằng, các nhà đầu cơ nông sản vẫn còn cơ hội mua vào và tiềm năng tăng giá vẫn còn rất lớn.
Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 100.400 tấn ngô cho Mexico cho đợt giao hàng niên vụ cũ. Trong khi đó, Algeria đã mua được 600.000 tấn lúa mì trong tuần này.
Triển vọng khô hạn ở Argentina hiện ra rõ rệt hơn trong những ngày gần đây. Nếu không có lượng mưa trên mức trung bình ở Argentina vào tháng Hai tới, sản lượng nông sản của nước này có thể giảm mạnh.
*Thị trường cà phê thế giới
Giá cà phê thế giới đồng loạt đi ngang ở cả hai sàn giao dịch lớn trong phiên giao dịch cuối tuần.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá cà phê Robusta trên sàn London (Anh) giao tháng 3/2022 giảm 45 USD/tấn, xuống mức 2.237 USD/tấn. Giá cà phê Robusta giao tháng 5/2022 giảm 31 USD/tấn, xuống mức 2.202 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 3/2022 giảm 3,85 xu Mỹ/lb, xuống 237 xu Mỹ/lb, còn giá Arabica giao tháng 5/2022 giảm 3,7 xu Mỹ/lb xuống mức 236,95 xu Mỹ/lb (1lb=0,4535 kg).
Thị trường cà phê thế giới không biến động mạnh trong tuần qua. Trước đó, giá cà phê giảm do áp lực bán thanh lý trên sàn London mạnh.
Dự báo giá cà phê thế giới trong ngắn hạn sẽ điều chỉnh theo xu hướng giảm. Thu hoạch vụ mùa 2022 của Brazil đang đến gần, trong khi các vấn đề logistics chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.
Biến chủng Omicron bùng phát mạnh trở lại khiến nhiều quốc gia châu Âu tái lập các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt hơn, kéo theo nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm.
Hiệp hội Cà phê Thế giới (ICO) dự báo, nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm 1,1% triệu bao, xuống còn 42,5 triệu bao trong niên vụ 2021-2022. Theo con số này, cà phê nhập khẩu của EU sẽ chiếm gần 40% lượng cà phê nhập khẩu của thế giới./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-gao-an-do-thai-lan-cao-nhat-ke-tu-giua-nam-2021/228956.html