Giá gạo giảm và bài toán quy hoạch thị trường xuất khẩu

Trong 2 tuần qua, giá gạo Việt Nam đứng im bởi chênh lệch cung cầu. Điều này đặt ra yêu cầu quy hoạch thị trường xuất khẩu.

Giá gạo đứng im, chờ vụ thu hoạch mới

Cuối tháng 1/2024, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm mạnh. Đây là mức độ giảm giá mạnh nhất được ghi nhận kể từ thời điểm Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 7 năm ngoái đến nay.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 25/1, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đối với giống IR 50404 (lúa tươi) đã giảm xuống chỉ còn 8.200-8.300 đồng/kg, Đài Thơm 8/OM 18 là 8.800 đồng/kg.

Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 chỉ còn khoảng 12.000 -12.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu của giống OM 5451 chỉ còn 12.400-12.600 đồng/kg và gạo nguyên liệu của giống OM 18 và Đài Thơm 8 chỉ còn khoảng 13.000 - 13.200 đồng/kg.

Như vậy, giá lúa và gạo nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 1.200 - 1.400 đồng/kg (tùy loại). Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam vẫn duy trì mức giá 652 USD/tấn. Trong khi đó gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan liên tục tăng và hiện đã lên mốc 669 USD.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá lúa gạo trong những ngày qua giảm mạnh do yếu tố cung cầu. Các nhà kho thu mua gạo phục vụ xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang hạn chế mua vào, thậm chí có không ít kho đã quyết định tạm dừng thu mua. Đây chính là nguyên nhân khiến giá lúa gạo ở khu vực này sụt giảm mạnh như những ngày qua.

Lý giải việc giá gạo Thái Lan liên tục tăng cao còn gạo Việt đứng im, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện tại, lượng gạo hàng hóa ít nên các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới mà chỉ tập trung làm hàng phục vụ thị trường Tết ở nội địa và trả nợ các hợp đồng cũ.

“Vụ thu hoạch mới phải qua Tết mới bắt đầu, trong khi đó thị trường nhiều rủi ro nên doanh nghiệp không dám chào ký các đơn hàng mới, khiến giá gạo theo đó cũng chững lại. Dự báo thị trường lúa gạo sẽ sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bởi đó cũng là thời điểm vào đợt thu hoạch rộ lúa đông xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm”, ông Thành nói.

Đối với gạo Thái Lan, ông Thành cho hay, liên tục trong năm 2023 vừa qua giá gạo Việt Nam ở mức cao hơn Thái Lan nên các nhà mua hàng đã đổ dồn qua mua gạo của nước này. Thêm vào đó Thái Lan hiện đang vào giai đoạn thu hoạch vụ mùa lớn nhất trong năm nên giao dịch sôi động hơn.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice- chia sẻ, doanh nghiệp Việt phải chờ có “chân hàng” mới dám chào ký hợp đồng mới vì lo ngại ký trước sẽ “bẻ kèo” như năm 2023, dẫn tới thua lỗ. Vì thế các giao dịch xuất khẩu thời điểm này hầu như không có mà chủ yếu vẫn là giao theo các hợp đồng cũ.

Doanh nghiệp và nông dân cần có tiếng nói chung

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, năm 2023, ước lượng xuất khẩu của tỉnh Long An tăng khoảng 55%; giá trị tăng khoảng 63%... Đây là số liệu đáng mừng đối với sự phát triển sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp, bảo đảm đầu tư.

Về khuyến cáo lâu dài, ông Truyền chỉ ra: “Do nông dân sản xuất với diện tích nhỏ nên muốn có sản xuất lớn thì cần phải liên kết lại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nền đã được tập huấn. Tiến tới phát thải thấp, đạt được tín chỉ carbon tăng thêm thu nhập cho bà con; đồng thời tiến tới áp dụng khoa học kỹ thuật để liên kết các HTX với nhau, phải đủ mạnh, đại diện cho các hộ dân, liên kết”.

Quan trọng, giữa doanh nghiệp và người nông dân cần có tiếng nói chung, để giữ uy tín với nhau, chia sẻ lợi nhuận, tránh trường hợp không thống nhất được, bỏ cọc, “bể kèo”.

Trong khi đó, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững hơn hiện này. Bởi lẽ, hiện tượng doanh nghiệp “tranh mua, tranh bán” vì chưa có giá sàn cho gạo xuất khẩu. Nên một mặt thương lái bỏ tiền ra đặt cọc giá cao, để đặt mua lúa của nông dân, mặt khác doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu nhưng muốn đi bán gạo và họ mua giá không cao bằng thương lái.

“Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp nên ký hợp đồng 1 năm hoặc nhiều năm để có sự chuẩn bị. Việt Nam nhờ không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên lúc nào cũng có lúa, có gạo, giữ chỗ trước trong công ty, ký kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp”, ông Xuân nói.

Chuyên gia này đề nghị, để tham gia đề án 1 triệu ha gạo chất lượng cao, các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân, thành lập hoặc củng cố HTX để triển khai huấn luyện trồng lúa theo quy trình.

“Cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là con đường tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 135 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn; tuy nhiên, kim ngạch tăng 18% tương đương gần 20 triệu USD.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-gao-giam-va-bai-toan-quy-hoach-thi-truong-xuat-khau-a647716.html