Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng, nhưng sẽ sớm được kiềm chế
Theo nhận định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đà tăng của giá gạo có thể sẽ sớm được kiềm chế, khi các quốc gia sản xuất và nhập khẩu liên tục triển khai các kế hoạch nhằm kiểm soát nguồn cung và bình ổn giá.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cập nhật tới cuối tháng 8/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được điều chỉnh tăng. Trong đó, gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đồng loạt tăng 5 USD/tấn, lên các mức lần lượt là 643 USD/tấn và 628 USD/tấn.
Như vậy, so với giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 20%. Nếu so với đầu năm 2023, giá gạo xuất khẩu đã tăng hơn 40%, giúp gạo Việt Nam có giá cao nhất thế giới.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 8 triệu tấn - con số kỷ lục từ trước đến nay. Thời điểm này, gạo Việt đang có lợi thế xuất khẩu để tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu do hiệu ứng nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn bị hạn chế, nhưng lợi thế này sẽ không kéo dài.
Theo nhận định của MXV, đà tăng của giá gạo có thể sẽ sớm được kiềm chế, khi các quốc gia sản xuất và nhập khẩu liên tục triển khai các kế hoạch nhằm kiểm soát nguồn cung và bình ổn giá.
Bởi lẽ, nhiều quốc gia nhập khẩu gạo đang có những động thái mạnh mẽ nhằm kiềm chế đà tăng của gạo. Ví dụ, tại Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam vừa ấn định mức trần giá gạo trên thị trường bán lẻ trong nước. Các mức giá trần này có hiệu lực cho đến khi có quyết định tiếp theo của tổng thống.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An nhận định, với quyết định từ phía Nhà nước, rất có thể các thương nhân nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tìm kiếm các nguồn hàng khác có mức giá dễ chịu hơn. Ví dụ như gạo Thái Lan đang thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 3% - 5%, tùy loại.
“Vì vậy, giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao kỷ lục cũng không hẳn là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp. Nếu gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, rất có thể sẽ mất các bạn hàng lâu năm vào tay đối thủ”, vị này nhận định.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, sau khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non basmati vào tháng 7 vừa qua khiến giá gạo thế giới lên mức kỷ lục, nông dân nước này đã tăng cường mở rộng diện tích trồng lúa.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ tính đến ngày 1/9 cho thấy diện tích trồng lúa tại Ấn Độ đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 39,8 triệu ha. Điều này mở ra triển vọng tích cực hơn về nguồn cung gạo tại quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới.
Hiện gạo Việt được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tính đến giữa tháng 8/2023, Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với thị phần lần lượt 40,3%, 14% và 12,1%.