Giá giấy tăng cao nhưng lợi nhuận doanh nghiệp giấy 'đi lùi '
Kết thúc quý I/2024, giá giấy tiếp tục phục hồi về mức 9.400 đồng/kg, tương ứng mức tăng gần 7% so với thời điểm đầu năm. Trái ngược với diễn biến gia tăng tích cực của giá giấy, các doanh nghiệp giấy lại có lợi nhuận đi lùi.
Tính từ đầu năm 2024, giá giấy đã có sự phục hồi rõ rệt khi tăng liên tục từ vùng đáy 7.500 đồng/kg hồi tháng 9/2023 lên mức 8.800 đồng/kg trong tháng 1/2024, tương ứng mức tăng 17,3%. Trong quý I/2024, giá giấy tiếp tục phục hồi về vùng giá 9.400 đồng/kg, tương ứng mức tăng gần 7% so với thời điểm đầu năm. Đồng thời, giá bán giấy bao bì hiện cũng đã tăng 15% so với hồi cuối tháng 2/2024.
Được biết, đặc thù giấy bao bì là sản phẩm phụ trợ cho hầu hết các ngành sản xuất nên sự tăng trưởng của ngành này sẽ gắn liền với tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hàng hóa.
Theo đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cũng đưa ra dự báo, nhu cầu giấy của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) từ 14% trong giai đoạn 2020 - 2025. Dựa trên tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng bán lẻ, đặc biệt là thương mại điện tử, nhiều tổ chức tài chính đánh giá nhu cầu giấy công nghiệp như bao bì, hộp giấy… sẽ tăng trưởng mạnh.
Trái ngược với sự gia tăng của giá giấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp giấy trong quý I/2024 lại có bước "khởi động chậm". Cụ thể, kết thúc quý I/2024, Công ty CP Đông Hải Bến Tre (mã ck: DHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 811 tỷ đồng, lãi ròng đạt 56 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và 35% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nằm trong top 5 doanh nghiệp sản xuất giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay, DHC là doanh nghiệp có chi phí đầu tư nhà máy trên mỗi công suất sản xuất/năm thấp nhất nhóm, thấp hơn tới 50% so với mức trung bình các đối thủ còn lại. Điều này giúp cho DHC có sức cạnh tranh mạnh khi thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Với vị thế là doanh nghiệp sản xuất giấy công nghiệp có công suất lớn thứ 4 cả nước, chỉ sau nhóm doanh nghiệp FDI, kết quả kinh doanh của DHC trong thời gian qua đã chịu tác động tiêu cực từ việc giá giấy bao bì (chiếm 83% tổng doanh thu) và giấy bìa carton (chiếm 17% tổng doanh thu) giảm mạnh. Trong năm ngoái, giá bán giấy của công ty chỉ đạt trung bình 8.900 đồng/kg - mức thấp nhất 10 năm qua.
Bên cạnh DHC, tại Công ty CP Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông (mã ck: VID), doanh thu thuần của Công ty trong quý I/2024 đạt 227,2 tỷ đồng, giảm 53,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của VID lần lượt giảm so với quý I/2023 từ 3,3 tỷ đồng xuống còn 2,6 tỷ đồng và từ 3,1 tỷ đồng xuống còn 2,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng giảm từ 2,2 tỷ đồng xuống còn 1,8 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Bao bì Biên Hòa (mã ck: SVI), trong quý I/2024, Công ty cũng có kết quả hoạt động kinh doanh đi lùi với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần của SVI giảm từ 349 tỷ đồng xuống còn 357 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế cũng giảm so với quý I/2023 lần lượt là từ 37,3 tỷ đồng xuống còn 26,2 tỷ đồng và từ 29,8 tỷ đồng xuống còn 21 tỷ đồng.
Bên cạnh các doanh nghiệp giấy có lợi nhuận đi lùi thì Công ty CP Tập đoàn Hapaco (mã ck: HAP) đón tin vui trong kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2024. Theo đó, HAP ghi nhận doanh thu quý I là 70,7 tỷ đồng, giảm 3,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của HAP tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt là từ hơn 1 tỷ đồng lên 2,5 tỷ đồng và từ 294 triệu đồng lên 2,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng tăng từ 143 triệu đồng lên 2,3 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp giấy có lợi nhuận đi lùi trong quý I đến từ việc khan hiếm nguyên vật liệu trong sản xuất giấy. Theo đó, dăm gỗ là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất giấy và bột giấy. Mặc dù Việt Nam là nước sở hữu nhiều tài nguyên rừng và xuất khẩu dăm gỗ lớn nhưng lại phải nhập khẩu phần lớn giấy và bột giấy từ các nước vì việc sản xuất giấy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp giấy quý I giảm so với cùng kỳ năm ngoái như chênh lệch tỷ giá ngoại lệ, các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt, lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp cao dẫn đến chi phí lưu kho tăng và áp lực giải giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho....
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, cả nước nhập khẩu 541.020 tấn giấy các loại, tương đương trên 483,39 triệu USD, giá trung bình 893,5 USD/tấn, tăng 8,9% về lượng, tăng 4,8% về kim ngạch nhưng giảm 3,8% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.
Riêng tháng 3/2024 nhập khẩu giấy tăng 52,8% về lượng, tăng 48,9% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 200.648 tấn, tương đương 177,61 triệu USD; so với cùng tháng năm 2023 thì giảm 0,7% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch.