Giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày: Bộ Y tế nói gì?
Giường điều trị có nhiều loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng...
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định như vậy về thông tin giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày là đắt ngang với khách sạn hạng sang, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc khám chữa bệnh theo yêu cầu, chiều 12/8.
Bệnh viện quyết định giá nhưng không được vượt mức tối đa
Theo ông Liên, đối với dịch vụ giường bệnh, thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối với loại 1 giường/1 phòng. Tuy nhiên, ông Liên lý giải, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng, mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: giường hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, giường loại I, giường điều trị nội khoa….
Đồng thời, chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. "Người bệnh nặng phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường", ông Liên thông tin.
Mặt khác, ông Liên lưu ý, do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường. Bởi vì, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.
Về mức giá trên, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, mức giá do Bộ ban hành là mức tối đa, phù hợp với các loại bệnh viện, các loại dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Tuy nhiên, các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.
Mức giá tối đa 4 triệu đồng/giường chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện đáp ứng nhu cầu người bệnh. Việc ban hành Thông tư này để 4 bệnh viện lớn gồm: Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, K có cơ sở để thực hiện giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện khi các đơn vị này tự chủ hoàn toàn.
Đối với các đơn vị sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải có đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ được cấp có thẩm quyền quyết định. Đơn vị dù được quyết định mức giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa quy định.
Chỉ áp dụng với người tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ
Một trong những điểm nhấn của thông tư trên được ông Liên nhấn mạnh là giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu trên chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Trường hợp đối với người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì vẫn thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán bảo hiểm y tế và mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Dù vậy, ông Liên khẳng định, thực tế là nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) hiện nay là rất lớn. Do đó, các bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên thời gian vừa qua, nhiều người Việt Nam vẫn phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh.
Theo ước tính, chi phí hàng năm cho việc ra nước ngoài khám chữa bệnh của người Việt là khoảng 2 tỷ USD, tương đương khoảng 46 nghìn tỷ đồng.Do đó, ông Liên cho rằng, với việc ban thành thông tư trên sẽ tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người có điều kiện thu nhập cao không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, cũng thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch gắn với y tế, chữa bệnh ngay trong nước.