Gia hạn, giảm thuế giúp doanh nghiệp gặp thiên tai vượt qua khó khăn

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), trước thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, việc tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai sẽ giúp người dân ổn định đời sống, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư cơ sở vật chất và trang trải các chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, có điều kiện phục hồi, phát triển.

Tàu du lịch có giá trị lớn bị thiệt hại tại Cảng Tuần Châu, Quảng Ninh sau cơn bão số 3. Ảnh tư liệu

Tàu du lịch có giá trị lớn bị thiệt hại tại Cảng Tuần Châu, Quảng Ninh sau cơn bão số 3. Ảnh tư liệu

PV: Tổng cục Thuế vừa phát đi công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố nơi có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, triển khai hướng dẫn các quy định về miễn, giảm, gia hạn thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng thiên tai. Ông đánh giá thế nào về các chính sách này trong hỗ trợ doanh nghiệp?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Hầu như tất cả các sắc thuế và khoản thu của chúng ta khi ban hành đều có những điều khoản quy định về ưu đãi thuế, trong đó, có những quy định về miễn thuế, giảm thuế đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi những điều kiện khó khăn khách quan (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng khác) với mục đích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn để ổn định đời sống, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Luật Quản lý thuế cũng quy định các trường hợp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế trong trường hợp đặc thù và quy định rõ các thủ tục để thực hiện gia hạn thuế, miễn thuế và giảm thuế. Điều này thể hiện tính nhân văn và nuôi dưỡng nguồn thu trong chính sách thuế, đồng thời, cũng thể hiện quan điểm “lấy dân làm gốc” - mọi chính sách trong đó có chính sách thuế phải “vì dân”, phát triển kinh tế và chăm lo đời sống cho người dân là mục tiêu quan trọng nhất trong mọi chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Cha ông ta có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Phân công cán bộ làm đầu mối hướng dẫn người nộp thuế kịp thời

Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố phân công cán bộ phối hợp, làm đầu mối hướng dẫn người nộp thuế kịp thời; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, hồ sơ miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế…) và các tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.

Xét về ý nghĩa tinh thần, các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế là một sự động viên lớn cho người dân và doanh nghiệp trong điều kiện bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Xét về phương diện kinh tế, để khắc phục khó khăn và thiệt hại do thiên tai hiển nhiên cần nguồn tài chính rất lớn. Vì thế, nhờ chính sách gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế mà người dân được ổn định đời sống, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư cơ sở vật chất và trang trải các chi phí đầu vào, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

PV: Để người nộp thuế chủ động thực hiện các thủ tục được hưởng quyền lợi các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế trong trường hợp gặp thiên tai theo quy định của pháp luật thuế, theo ông, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời ra sao?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Tôi đánh giá cao sự chủ động của Tổng cục Thuế trong phổ biến các chính sách thuế của Nhà nước đến người nộp thuế, trong đó, yêu cầu cơ quan thuế địa phương phổ biến chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế. Trên thực tế, tùy theo sắc thuế và khoản thu mà những chính sách này đã được ban hành và có hiệu lực từ nhiều năm qua hoặc trong vài năm trở lại đây. Các văn bản pháp luật thuế đã được công bố công khai trên nhiều phương tiện truyền thông và được cơ quan thuế các cấp thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu, tuân thủ nghĩa vụ thuế cũng như thực hiện đúng các thủ tục để được hưởng các quyền lợi của mình, đặc biệt là các chính sách ưu đãi thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền chính sách thuế, đặc biệt là chính sách gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến với mọi tầng lớp dân cư, ví như Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có thư ngỏ chỉ có thể đến được một số đối tượng có sử dụng thư điện tử hoặc mạng xã hội. Do vậy, các hình thức khác nên được sử dụng để tuyên truyền là: Báo hình, báo in, báo mạng, báo nói. Đồng thời, nên sớm sử dụng công nghệ AI để tạo các chatbox trả lời vướng mắc và hướng dẫn thủ tục hành chính thuế trên website của cơ quan thuế các cấp.

Về lâu dài, việc cải tiến cách thức công khai thông tin pháp luật trên website của cơ quan thuế theo hướng không chỉ đính kèm nguyên văn văn bản pháp luật mà thiết kế để giới thiệu quy định pháp luật theo sơ đồ "cây gia phả" để người nộp thuế dễ dàng tìm hiểu nội dung pháp luật thuế. Về tổ chức thực hiện, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục nâng cao tiện ích của hệ thống thuế điện tử và tăng cường lực lượng tiếp nhận và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật thuế và quản lý thuế các yêu cầu về gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế của người dân, doanh nghiệp.

PV: Bên cạnh chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế đối với người nộp thuế gặp thiên tai, cần chú trọng những chính sách gì để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sớm phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, thưa ông?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Theo tôi, các chính sách quan trọng cần được tổ chức thực hiện tốt để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do báo số 3 gồm có: Chính sách an sinh xã hội, chính sách đầu tư công trong phục hồi, phát triển kết cấu hạ tầng và chính sách hỗ trợ tín dụng. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về 6 nhiệm vụ và biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả của bão số 3.

Về chính sách an sinh xã hội, cần rà soát, hỗ trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch, bảo đảm nguồn nhu yếu phẩm để ổn định đời sống nhân dân, nhất là phải tìm mọi biện pháp tiếp cận những nơi còn chia cắt, cô lập để tiếp tế cho người dân; tổ chức nơi ở tạm, an toàn cho người dân đã mất nhà cửa; rà soát hỗ trợ trực tiếp để người dân sửa chữa nhà ở và có nguồn tài chính phục vụ nhu cầu cuộc sống; miễn, giảm học phí cho những học sinh bị ảnh hưởng ở các vùng lũ…

Về chính sách đầu tư công, cần đầu tư khắc phục ngay những công trình giao thông đường bộ, đường sắt… bị hư hỏng do bão lũ; sửa chữa và xây dựng mới các công trình điện; đầu tư xây dựng các tuyến đường nông thôn, miền núi mới phục vụ người dân ở các khu tái định cư…

Về chính sách hỗ trợ tín dụng, cần triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp và nông dân từ Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc hỗ trợ của Nhà nước để các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% cho các doanh nghiệp và nông dân bị thiệt hại nặng nề do bão lũ…

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của mình của cần chủ động, tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ về vật tư nông nghiệp, con giống, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật…

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Việt (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-han-giam-thue-giup-doanh-nghiep-gap-thien-tai-vuot-qua-kho-khan-159717-159717.html