Gia hạn New START - một bước khởi đầu mới

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START, hay còn gọi là START 3) mới đây đã được Mỹ và Nga nhất trí đạt thỏa thuận gia hạn thành công thêm 5 năm cho tới ngày 5-2-2026. Tín hiệu này tạo nên niềm tin rất lớn rằng, hiệp ước duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga về kiểm soát vũ khí sẽ tiếp tục duy trì trật tự, an ninh quốc tế.

Ông Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Ông Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Một khởi đầu mới

Cuối tháng 1, sau cuộc điện đàm đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai siêu cường quốc sở hữu số đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới đã nhất trí gia hạn New START thêm 5 năm. Tiếp đó, ngày 3-2, Nga và Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận gia hạn. Động thái này cho thấy Nga và Mỹ đang có khởi đầu quan hệ khá tích cực với mức độ tin cậy tăng lên dưới thời tân Tổng thống Biden.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã hoan nghênh động thái “xích lại gần nhau” của hai siêu cường quốc sở hữu tới 90% lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu. Nổi bật trong đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra thông điệp bày tỏ rằng, việc gia hạn New START là một khởi đầu mới, thay vì là sự kết thúc nỗ lực nhằm gỡ bỏ các mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược.

Đồng quan điểm này, Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cũng cho rằng, New START được gia hạn là phương tiện để duy trì các giới hạn về vũ khí hạt nhân thế giới. Liên hợp quốc mong muốn hai siêu cường sẽ tiếp tục đàm phán để cắt giảm hơn nữa số lượng vũ khí hạt nhân. Cao ủy Chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell đánh giá, Mỹ và Nga là hai siêu cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới nên cần có trách nhiệm đặc biệt trong việc giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Mới đây nhất, trong cuộc họp với thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, Tổng thống Putin đã đánh giá cao lời hứa của Tổng thống Biden về việc gia hạn New START khi ông tranh cử vào năm ngoái.

Giới chuyên gia cho biết, các cuộc đàm phán ổn định chiến lược Nga-Mỹ sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Giáo sư Frank von Hippel - một cựu cố vấn Nhà Trắng cho biết, các cuộc đàm phán tới đây sẽ giúp hai nước hiểu được mối quan tâm của nhau và hy vọng sẽ giúp thiết kế các ràng buộc lẫn nhau hơn nữa đối với lực lượng hạt nhân.

Ông Steven Pifer - một cựu Đại sứ Mỹ, Phó Trợ lý Ngoại trưởng, ông cũng là chuyên gia tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế, Đại học Stanford nhận định, việc gia hạn New START có nghĩa là các lực lượng tấn công chiến lược của Mỹ và Nga sẽ bị hạn chế cho đến năm 2026 ở mức thấp nhất kể từ những năm 1960. Hơn nữa, các bên sẽ tiếp tục cho đến năm 2026 để thực hiện trao đổi dữ liệu của hiệp ước, thông báo, kiểm tra tại chỗ và các biện pháp xác minh khác để cung cấp cho mỗi bên thông tin có giá trị về lực lượng hạt nhân của bên kia. Điều đó làm cho mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Nga trở nên minh bạch và dễ đoán hơn.

Nền tảng mới cho mục tiêu phi hạt nhân toàn cầu

Được ký kết vào năm 2010, New START là nền tảng của việc kiểm soát vũ khí toàn cầu, giới hạn số lượng vũ khí mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và Mỹ đã không đạt được sự nhất trí gia hạn New START khi ông Trump yêu cầu gia hạn với điều kiện thay đổi một số điều khoản đã ký kết. Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định rằng, việc gia hạn New START là "một bước đi đúng hướng" vào thời điểm quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng.

Giới quan sát chính trị nhìn nhận, trái ngược với cựu Tổng thống Trump, tân Tổng thống Biden cho thấy cách tiếp cận tích cực hơn trong việc tham gia các hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược. Ông Trump đã đưa Mỹ rút khỏi 2 thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga gồm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Trong khi ông Joe Biden từng tuyên bố muốn gia hạn New START với Nga và đến nay điều đó dường như đã thành hiện thực. Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nếu thỏa thuận duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ này không được gia hạn thì sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho một cuộc chạy đua vũ trang.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: New York Times

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: New York Times

Theo các nhà nghiên cứu chính trị, trong bối cảnh nước Mỹ nhiều rối ren mà đỉnh điểm là cuộc bầu cử tổng thống chưa từng có tiền lệ vừa qua, tân Tổng thống Biden sẽ cần phải chú trọng tới việc bình ổn đất nước với các bước đi thận trọng. Trong đó, quan hệ với Nga là một yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng, bởi Nga luôn đóng vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết những vấn đề lớn trên thế giới.

Về bản chất, New START tạo nên một thể thức minh bạch để kiểm soát, tăng cường lòng tin,... để ngăn chặn xung đột vũ lực. Nếu New START không được gia hạn, Nga và Mỹ sẽ phải đàm phán một thỏa thuận khác thay thế. Khoảng thời gian đàm phán này sẽ rất dài và tạo ra một “khoảng trống” nguy hiểm và khó lường về hạt nhân cho Mỹ. Vì vậy, việc chấp thuận gia hạn New START là một giải pháp an toàn trong bối cảnh nước Mỹ phải “dồn lực” hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước.

Ở góc độ khác, nhiều phân tích chỉ ra rằng, New START thực chất đã "lỗi thời" và không còn nhiều hiệu quả. Song, trong bối cảnh thế giới đầy rẫy biến động, trắc trở hiện hữu, việc xóa bỏ những gì đã và đang có để khởi động một thỏa thuận hoàn toàn mới chắc chắn sẽ mang tới quá nhiều rủi ro. Việc duy trì New START không hẳn vì thỏa thuận này là mẫu mực mà đang được xem là biện pháp tình thế để đảm bảo sự ổn định trong thời gian thế giới vượt qua những dịch bệnh, bất ổn cũng như củng cố tiềm lực. Từ đó có thể làm nền tảng để có thêm những thỏa thuận vì mục đích hòa bình thực chất và hiện đại hơn, hướng tới mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-han-new-start-mot-buoc-khoi-dau-moi-post437469.html