Gia hạn thời hạn nộp thuế: Hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc gia hạn thời hạn nộp một số sắc thuế năm 2023 như trong quy định tại Nghị định 12/2023/NĐ-CP mà Chính phủ mới ban hành là một động thái hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực. Chính sách này không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà còn hỗ trợ cả mặt tinh thần, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tài chính

Trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh việc gia hạn thời hạn nộp thuế, ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) nhận định, Nghị định 12/2023-NĐ-CP là một biện pháp kịp thời từ phía Chính phủ, cũng như Bộ Tài chính khi có hình thức hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bởi vì thực tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không thực sự khả quan trong quý I/2023, do tình hình kinh tế suy thoái, cả thị trường trong nước và nước ngoài, dẫn đến doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức.

Ông Trần Thanh Quyết cũng cho rằng, việc gia hạn thời hạn nộp thuế là một trong những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt các áp lực về mặt tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn hàng đầu năm bị sụt giảm, trong khi đó nhu cầu tài chính để đảm bảo hoạt động sản xuất mới, cũng như tìm kiếm các nguồn đối tác mới rất khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Đồng thời, việc gia hạn thời hạn nộp thuế cũng có thể giúp cho doanh nghiệp đảm bảo tính thanh khoản trước mắt và có nguồn lực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của doanh nghiệp trong các quý tiếp theo năm 2023.

Việc gia hạn thời hạn nộp một số sắc thuế năm 2023 là một động thái hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực.

Việc gia hạn thời hạn nộp một số sắc thuế năm 2023 là một động thái hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực.

Cũng theo ông Quyết, dù đây chỉ là việc giãn, hoãn nộp thuế trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng chính sách này không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà còn rất có ý nghĩa về mặt tinh thần với các doanh nghiệp.

“Có thể khoản hỗ trợ này không nhiều với một số doanh nghiệp, nhưng tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp đều rất chào đón chính sách này. Về mặt tinh thần, việc gia hạn thời hạn nộp thuế cho thấy, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin để tiếp tục hoạt động trong giai đoạn khó khăn hiện nay” - ông Quyết nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên, anh Phan Đăng Quang - một doanh nghiệp sản xuất mành rèm tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm tới nay, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm chỉ bằng 1 nửa so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng cũng gặp khó khi yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng đối với doanh nghiệp mành rèm là rất khó, trong khi các chi phí để vận hành doanh nghiệp không hề nhỏ. Vì vậy, hỗ trợ giãn thời hạn nộp thuế rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp.

“Đối với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì được hỗ trợ một đồng cũng quý. Tôi hy vọng việc hỗ trợ sẽ được thực hiện với thủ tục đơn giản, nhanh chóng” - anh Quang cho biết.

Mong muốn thêm các biện pháp hỗ trợ bổ sung khác

Theo ông Trần Thanh Quyết, mặc dù việc gia hạn thời hạn nộp thuế là động thái hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực, nhưng những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp hiện nay vẫn có thể còn kéo dài trong cả năm 2023. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần bám sát tình hình diễn biến kinh tế trong thời gian tới để có thể có những biện pháp hỗ trợ khác.

“Ngoài Nghị định 12, tôi cho rằng, Chính phủ cũng cần áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ bổ sung khác để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Quyết nêu ý kiến.

Một số biện pháp bổ sung được đại diện của ICHAM nhắc tới là hỗ trợ tiếp cận tín dụng, tiếp tục giảm thuế VAT. “Tôi được biết, Bộ Tài chính, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép tiếp tục giảm thuế VAT 2% (từ 10% xuống 8%) trong năm nay. Đây chắc chắn sẽ là một giải pháp hỗ trợ tích cực giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn này. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đang rất mong chờ Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản về việc giảm thuế VAT 10% xuống 8% như năm ngoái” - ông Quyết cho biết.

Doanh nghiệp mong thủ tục đơn giản, thực hiện nhanh chóng

Theo ông Trần Thanh Quyết, điều quan trọng nhất trong thực thi chính sách vẫn là đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ về cả thời gian và hồ sơ cho đối tượng được thụ hưởng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp mà còn cho cả cơ quan thuế. Nếu thủ tục phức tạp thì doanh nghiệp sẽ “nản”, không làm nữa, dẫn tới ý nghĩa hỗ trợ kịp thời sẽ không còn.

Bên cạnh đó, theo ông Quyết, Chính phủ cũng cần phải cải cách các quy trình để việc hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp được triển khai sớm hơn, đây cũng là nguồn tài chính rất quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ngoài ra, theo đại diện ICHAM, ngoài việc đảm bảo các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần sớm có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi hơn, giúp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hiện tại, tình hình kinh tế vẫn chưa được khả quan lắm khi mà sức cầu cũng như kinh tế thế giới đang suy giảm. Vì vậy, một mặt doanh nghiệp cần phải tháo gỡ tìm "đầu ra" cho nguồn hàng, mặt khác vẫn phải đảm bảo tính thanh khoản đối với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để ổn định quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế lãi suất ngân hàng vẫn cao, dẫn đến doanh nghiệp muốn “vượt khó” được trong giai đoạn này cũng không thực sự dễ dàng. Vì vậy, bên cạnh giải pháp về thuế, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong chờ các giải pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng tốt hơn./.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-han-thoi-han-nop-thue-ho-tro-ca-vat-chat-va-tinh-than-cho-doanh-nghiep-127301.html