Giá hàng hóa thế giới tháng 2/2022 tăng mạnh do xung đột Nga – Ukraina

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), thị trường hàng hóa thế giới tháng 2 biến động rất mạnh, nhất là tuần cuối tháng, do căng thẳng Nga – Ukraina lên đến đỉnh điểm.

Nhiều mặt hàng tăng giá mạnh

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 (28/2), giá dầu tăng vọt khi các đồng minh phương Tây áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga và loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, gây nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng tới xuất khẩu dầu của nước này. Kết thúc phiên, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 4 – đáo hạn vào ngày 28/2 - tăng 3,06 USD, hay 3,1%, lên 100,99 USD/thùng, trước đó trong phiên có lúc giá chạm mức 105,7 USD/thùng. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 4,13 USD, hay 4,5%, lên 95,72 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức 99,1 USD/thùng.

Dù tăng nhưng giá dầu trong phiên này vẫn chịu phần nào áp lực sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Mỹ và nhiều nước tiêu thụ dầu lớn khác đang cân nhắc giải phóng 70 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp của mình.

Giá dầu thô của Nga, chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu, đã bị sụt giảm trên thị trường giao ngay. Tập đoàn dầu khí lớn của Anh, BP, đã quyết định rút khỏi các khoản đầu tư dầu và khí đốt của Nga. BP là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga. Tính chung cả tháng 2, giá dầu Brent tăng khoảng 13%, trong khi WTI tăng 10%.

Giá hàng hóa thế giới tháng 2/2022 tăng mạnh do xung đột Nga – Ukraina. Ảnh: T.L

Nga đang đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng về xuất khẩu các hàng hóa từ dầu tới ngũ cốc sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow và loại bỏ một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/3. OPEC+ được dự đoán vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.00 thùng/ngày vào tháng Tư. Trước thềm cuộc họp này, OPEC+ đã điều chỉnh giảm khoảng 200.000 thùng/ngày trong mức thặng dư dự đoán của thị trường dầu trong năm 2022 xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, cho thấy sự thắt chặt của thị trường “vàng đen”.

Trong khi đó, giá vàng tăng mạnh do nhu cầu trú ẩn an toàn tránh những bất ổn trên thị trường tài sản rủi ro. Kết thúc phiên 28/2, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.898,25 USD/ounce, sau khi tăng 2,2% trong đầu phiên; vàng giao sau tăng 0,7% lên 1.900,7 USD/ounce. Thường được sử dụng làm nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm bất ổn về chính trị và tài chính, giá vàng đã tăng 6,5% trong tháng 2 – mức tăng mạnh nhất trong vòng 9 tháng. Tuần trước giá có lúc đạt 1.973,96 USD, cao nhất trong 18 tháng.

Căng thẳng giữa Nga – Ukraina lan sang các nước phương Tây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với liên tục những biện pháp trừng phạt mới, trong khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đi đến kết quả nào, khiến vàng vẫn thu hút các nhà đầu tư.

Giá palladium gần đây cũng tăng mạnh bởi Nga là nước sản xuất và xuất khẩu kim loại này hàng đầu thế giới. Theo đó, palladium phiên vừa qua tăng 5,1% lên 2.488,2 USD/ounce, trước đó giá đã đạt 2.551,5 USD/ounce. Giá palladium đã tăng 3 tháng liên tiếp. Công ty Nornickel của Nga là nhà cung cấp palladium lớn nhất thế giới. Thiếu hụt nguồn cung cấp palladium có thể gia tăng nếu Mỹ không hợp tác với các nhà sản xuất lớn.

Giá một số mặt hàng nông sản tăng giảm trái chiều

Giá đậu tương, lúa mì và ngô Mỹ đều tăng trong phiên cuối tuần do lo ngại về việc hạn chế xuất khẩu từ khu vực Biển Bắc khi Nga tấn công Ukraine. Theo đó, giá lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 5 tăng 74-1/4 US cent lên 9,34 USD/bushel. Trong ngày 25/2 giá đã đạt 9,60-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ giữa năm 2008. Tính chung trong tháng 2, lúa mì tăng giá khoảng 20%.

Trong khi đó, giá ngô phiên này cũng tăng 35 US cent, ở mức giới hạn giao dịch hàng ngày, lên 6,90-3/4 USD/bushel. Mức giới hạn vẫn là 35 US cent trong ngày 1/3. Tính chung cả tháng 2, giá ngô tăng 11%.

Giá đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 52-1/4 US cent lên 16,36-3/4 USD/bushel. Hợp đồng này trong ngày 24/2 đã đạt 17,59-1/4 USD/bushel, cao nhất đối với một hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ tháng 9/2012. Trong tháng 2, giá đậu tương tăng 13%. Nga và Ukraine chiếm khoảng 80% xuất khẩu dầu hướng dương cạnh tranh với dầu đậu tương.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng nhẹ 0,1 US cent hay 0,6% lên 17,70 US cent/lb, được hỗ trợ bởi giá năng lượng tăng mạnh; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 3,4 USD hay 0,7% lên 496 USD/tấn. Giá năng lượng cao dẫn đến sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất ethanol sinh học. Mặc dù vậy, tính chung cả tháng 2, giá đường vẫn giảm nhẹ. Tổ chức đường quốc tế ISO đã giảm dự báo của họ về thiếu hụt đường toàn cầu trong niên vụ 2021/22 xuống 1,93 triệu tấn so với 2,55 triệu tấn dự báo trước đó.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 2,4% xuống 2,3290 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 88 USD hay 4% xuống 2.090 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong hai tháng đầu năm tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước đạt 293.000 tấn. Các đại lý cho biết các quỹ đang tiếp tục giảm vị thế mua vào do họ tìm cách loại bỏ các tài sản rủi ro. Tuy nhiên, nguồn cung cà phê arabica toàn cầu vẫn khan hiếm sẽ hạn chế đà sụt giảm.

Giá cao su Nhật Bản tăng do giá nguyên liệu thô, dầu thô đang tăng. Theo đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,7 JPY hay 0,7% lên 263 JPY (2,28 USD)/kg. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải đóng cửa giảm 185 CNY xuống 13.870 CNY(2.197,85 USD)/tấn.

Giá cao su tấm của Thái Lan đạt 75,90 baht (2,32 USD)/kg trong ngày 28/2 cao nhất kể từ tháng 5/2021. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải đóng cửa giảm 185 CNY xuống 13.870 CNY(2.197,85 USD)/tấn. Cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu thô và một thị trường dầu mỏ đang tăng cũng đóng vai trò thúc đẩy giá cao su tự nhiên./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-hang-hoa-the-gioi-thang-22022-tang-manh-do-xung-dot-nga-ukraina-101022.html