Giá heo hơi hôm nay 21/12: Bật tăng tại nhiều nơi, sẽ gỡ vướng mắc trong tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi
Giá heo hơi hôm nay tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hàng, đà tăng này có thể tiếp diễn trong những ngày tới khi giao dịch tại các phiên chợ đang rất nhộn nhịp.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tăng 1.000 đồng/kg ở một vài nơi, dao động trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc cùng lên mức cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định. Trong đó, ngoại trừ tỉnh Ninh Bình đang có mức thua mua heo hơi thấp nhất khu vực là 49.000 đồng/kg; các tỉnh thành khác ổn định ở mức 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng tăng nhẹ ở một vài nơi, dao động trong khoảng 47.000 - 49.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi tại Đắk Lắk tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 48.000 đồng/kg.
Cùng mức tăng trên, giá heo hơi tại Thanh Hóa và Hà Tĩnh lên mức 49.000 đồng/kg, ngang với Quảng Bình, Quảng Ngãi và Lâm Đồng - cao nhất khu vực.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định. Trong đó, 47.000 đồng/kg là mức giá thấp nhất khu vực được ghi nhận tại Bình Định và Ninh Thuận; các địa phương khác ổn định ở mức 48.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam cũng tăng 1.000 đồng/kg theo xu hướng chung, dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi tại TP Hồ Chí Minh tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 48.000 đồng/kg.
Cùng mức tăng trên, giá heo hơi tại các địa phương Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Sóc Trăng lên mức 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định. Trong đó, mức giá cao nhất vẫn được ghi nhận tại Cà Mau là 51.000 đồng/kg; mức giá thấp nhất 47.000 đồng/kg có mặt tại Bình Phước và Bình Dương; các địa phương khác dao động từ 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai tiêm vaccine phòng dịch tả heo châu Phi
Dịch tả heo châu Phi đang tiếp tục gia tăng mạnh khi đã xuất hiện gần 700 ổ dịch tại 45 tỉnh, thành phố. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ưu tiên khẩn trương tổ chức tiêm vaccine cho đàn lợn thịt.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có gần 500.000 liều vaccine tả lợn châu phi được đưa vào sử dụng, đạt 0,1% tổng số lượng lợn thịt đưa vào giết mổ trên cả nước trong 1 năm.
Đến nay, mới có tỉnh Cao Bằng chính thức mua vaccine đại trà cho người chăn nuôi. Các địa phương khác mới dừng ở việc tiêm thử nghiệm hoặc đang có kế hoạch.
Nguyên nhân việc tiêm vaccine còn hạn chế là do đây là loại vaccine mới được phép sử dụng rộng rãi từ tháng 7/2023, nên không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả cơ quan chức năng tại các địa phương cũng còn nghi ngại về mức độ an toàn của vaccine, e ngại xảy ra sự cố.
Theo ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco), việc triển khai tiêm vaccine dịch tả heo châu Phi trong thời gian qua cũng như hiện tại đang khó khăn vì đây là vaccine mới, người dân còn e dè. Nguyên nhân chính dẫn đến tồn đọng vaccine vẫn là do người chăn nuôi thường có tâm lý khi có dịch bệnh mới tiêm phòng, mà không tiêm phòng chủ động.
Bên cạnh đó, giá thành vaccine còn tương đối cao, khoảng 40.000 đồng/liều với vaccine của Navetco và khoảng 60.000 đồng/liều với vaccine của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Cùng với các vaccine khác như lở mồm long móng hay tai xanh, chi phí vaccine cho một con lợn đang lên tới vài trăm nghìn đồng. Đây là gánh nặng không nhỏ với người chăn nuôi trong bối cảnh thua lỗ từ đầu năm đến nay.
Để việc tiêm vaccine được triển khai rộng rãi Cục Thú y đang rà soát, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định bổ sung bệnh dịch tả lợn châu Phi phải phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine; đồng thời tham mưu, chỉ đạo các địa phương có kế hoạch sử dụng vaccine cho đàn lợn thịt. Đây sẽ là căn cứ để các địa phương sắp xếp nguồn kinh phí sử dụng vaccine cho đàn lợn thịt.
Cục Thú y cũng báo cáo, đánh giá, công khai kết quả sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương để người dân yên tâm sử dụng.
Đồng thời, các nhà sản xuất vaccine cũng có kế hoạch giảm giá sản phẩm, hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ bảo vệ đàn lợn của mình.