Già hóa dân số: Làm thế nào vượt qua thách thức?

Việt Nam đang nằm trong top 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trung bình mỗi người cao tuổi (NCT) thường mắc 6,9 loại bệnh cần phải điều trị.

Chí phí y tế cho NCT gấp từ 7 - 10 lần so với người trẻ. Trong khi, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT ở nước ta còn hạn chế, tình trạng thiếu bác sĩ lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc NCT… Do đó, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đang không chỉ là thách thức đối với hệ thống y tế của Việt Nam mà còn đối với thị trường lao động. Xung quanh nội dung này PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS.BS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương

PV: Xin ông cho biết về vấn đề già hóa dân số hiện nay?

TS. Nguyễn Trung Anh: Hiện nay, tuổi thọ người Việt ngày càng tăng. Từ 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước dân số già sau 2030.Theo nhận định của Liên Hiệp Quốc, từ nay đến 2050, Việt Nam thuộc top 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.Vấn đề này đòi hỏi hệ thống y tế cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáo ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT.

TS. BS Nguyễn Trung Anh.

TS. BS Nguyễn Trung Anh.

PV: Thưa ông, vậy già hóa dân số sẽ gây ra những thách thức gì cho hệ thống y tế?

TS Nguyễn Trung Anh: Hiện nay, già hóa dân số đang là thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Già hóa dân số chính là nguyên nhân khiến gia tăng các bệnh mạn tính thường gặp ở NCT như: Bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp,… phải điều trị suốt đời. Các hội chứng đặc trưng ở người già như dễ bị tổn thương, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm.

Giảm hoạt động chức năng hàng ngày, chủ yếu do bệnh mạn tính, đặc biệt khi thay đổi môi trường sống. Việc mất tính độc lập trong hoạt động chức năng hàng ngày là nguyên nhân gây tàn phế và đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp... Đặc biệt, già hóa dân số khiến cho chi phí y tế tăng cao. Cụ thể, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần người trẻ. NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Xu hướng NCT tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.

Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT còn rất hạn chế. Hệ thống bệnh viện thì chỉ có Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các khoa lão khoa của các bệnh viện điều trị bệnh cấp, sau giai đoạn cấp và phục hồi chức năng, điều trị dài hạn, chăm sóc cuối đời còn hạn chế. Hệ thống nhà dưỡng lão thì có chăm sóc y tế và không có chăm sóc y tế.

Tại cộng đồng, các trạm y tế, bác sĩ gia đình, nhân viên xã hội, các trung tâm trợ giúp NCT, phục hồi chức năng thì thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu người chăm sóc NCT hiện nay cũng đang ở mức đáng báo động.Hiện nay bác sĩ chuyên khoa lão khoa, điều dưỡng lão khoa đều thiếu. Thiếu kiến thức về lão khoa (kiểm soát các bệnh không lây nhiễm) và thiếu người chăm sóc, hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào người nhà, trong khi nguồn nhân lực này ngày càng giảm.

Công tác chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Công tác chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

PV: Thưa ông, thực trạng sức khỏe NCT hiện nay như nào?

Bộ Y tế vừa có công văn số 2248/BYT-KCB gửi các sở y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ và y tế ngành thành lập khoa Lão và chăm sóc sức khỏe cho NCT. Đối tượng điều trị tại khoa Lão là NCT mắc nhiều bệnh mạn tính cần điều trị cùng lúc, có các hội chứng lão khoa đặc trưng như: hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn dáng đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, dùng nhiều thuốc (polypharmacy), nguy cơ tai biến điều trị cao… Người bệnh cao tuổi cần chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời. Tùy thuộc vào quy mô bệnh viện, quy mô giường bệnh của khoa lão chiếm 10% tổng số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện (tối thiểu từ 30 giường trở lên).

TS. Nguyễn Trung Anh: Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2016 - 2017 trên 610 cụ trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, trung bình 1 NCT mắc 6,9 bệnh. 33,6% lâm vào cảnh góa bụa, 8,2% cụ phải sống một mình, chỉ 17,7% sống với vợ hoặc chồng. Thu nhập trung bình của các cụ là 537,9 nghìn đồng/tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu.

Trong số này, chỉ 62,79% cụ có bảo hiểm y tế. 27,97% NCT cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống. Cũng theo nghiên cứu này, có đến 90% NCT cần sự trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, sử dụng phương tiện giao thông.

PV: Tính cấp thiết cần có những bác sĩ lão khoa chuyên nghiệp là gì thưa ông?

TS. Nguyễn Trung Anh: Những đối tượng phục vụ của chuyên ngành lão khoa là những NCT từ 80 tuổi trở lên. Vấn đề đặt ra, là những người ở độ tuổi này thường có rất nhiều bệnh, mà mỗi bệnh chỉ cần dùng 2 – 3 thuốc thôi thì sự tương tác xấu của các loại thuốc với nhau là tương tác bất lợi.

Nhiệm vụ của bác sĩ lão khoa là bố trí đơn thuốc phù hợp, vì người già đề kháng kém, rất dễ mắc bệnh tật. Trong khi gan thận người già yếu, việc sử dụng nhiều thuốc không tốt và khả năng chi trả tiền thuốc thấp. Và nếu cho người bệnh sử dụng nhiều thuốc thì gánh nặng bảo hiểm y tế rất cao.

Mục tiêu thầy thuốc lão khoa làm bệnh lý nhằm giảm thiểu tất cả gánh nặng về tài chính cho xã hội, giúp bệnh nhân có thể tồn tại lâu hơn với những điều trị thích hợp.

Bên cạnh đó, vấn đề nâng đỡ tinh thần và giải thích cho người nhà bệnh nhân cũng là những vấn đề rất là quan trọng. Như vậy, rất cần thiết có một bác sĩ lão khoa chuyên nghiệp, và việc phát triển hệ thống chuyên khoa lão khoa ở các bệnh viện tuyến tỉnh là vô cùng quan trọng và cần thiết.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện nay?

TS. Nguyễn Trung Anh: Theo tôi giải pháp đầu tiên là phải nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe NCT. Trong đó, các bệnh viện phải thành lập khoa lão, quy mô khoảng 20% giường kế hoạch,…Về y tế cơ sở, cần nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở NCT.

Trong đó có lập hồ sơ theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho NCT, phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời, cần phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe dài ngày cho NCT như hệ thống nhà dưỡng não, từng bước phát triển hệ thống nhà dưỡng não, trong đó có hệ thống chăm sóc y tế.

Thành lập các khu chung cư dành cho người già. Từng bước phát triển các trung tâm ban ngày (cung cấp các dịch vụ xã hội cho NCT). Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe dài ngày cho NCT tại gia đình, cộng đồng. Đặc biệt là cần tạo môi trường thân thiện với NCT. Chú ý, chống phân biệt tuổi tác, cũng như đảm bảo tính tự chủ của NCT.Đưa vấn đề NCT vào tất cả các chính sách và ở tất cả các cấp chính quyền.

Xin cảm ơn TS. Nguyễn Trung Anh!

Nói về tình trạng thiếu nhân lực chăm sóc NCT hiện nay, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc NCT. Điều dưỡng của chúng tôi phải kiêm cả công việc của người chăm sóc, đây là một áp lực quá lớn, và không thể hoàn thành vai trò này.

Người nhà bệnh nhân thường phải thuê người chăm sóc ngoài, vừa tốn kém, vừa không đảm bảo vì họ không có chuyên môn, không được đào tạo.Họ mang xô, chậu, nhiều dụng cụ khác vào viện, khiến không gian bệnh viện trở nên nhếch nhác. Nhu cầu có một đội ngũ những người chăm sóc NCT là vô cùng lớn.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gia-hoa-dan-so-lam-the-nao-vuot-qua-thach-thuc-73152.html